Sẵn sàng ứng phó thiên tai mùa mưa bão

Thứ tư, 05/08/2020 21:14
(ĐCSVN) - Hiện nay, đang vào mùa mưa bão, trong đó, các tỉnh Bắc Trung bộ là một trong những trọng điểm thiên tai thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất,… Vì vậy, đây là thời điểm Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cùng chính quyền địa phương, người dân cần sẵn sàng các giải pháp để ứng phó.
 Ngư dân Nghệ An khẩn trương chằng chống tàu thuyền ứng phó với bão số 2 vừa qua (Nguồn ảnh: baonghean.vn)

Còn nhiều bật cập trong phòng chống thiên tai tại khu vực

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia gần đây nhất (15/7), từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông với cường độ mạnh hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, từ 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều vào khu vực miền Trung. Bão xảy ra muộn, hoàn lưu sau bão thường gây mưa lũ lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập và xả lũ ngập lụt hạ du, an toàn hệ thống đê điều.

Đối với khu vực Bắc Trung bộ, dự báo nửa cuối tháng 7 đến tháng 8/2020, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ ở mức báo động 1 - báo động (BĐ) 2, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ 2. Đỉnh lũ năm 2020 tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh ở mức BĐ 1 - BĐ 2, các sông từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế ở mức BĐ 2 - BĐ 3, một số sông trên BĐ 3. Có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ven các sông suối nhỏ khu vực miền núi.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, khu vực Bắc Trung bộ có nhiều nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ lớn, ngập lụt với khu vực đồng bằng, ven biển và lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho khu vực khi còn nhiều bất cập trong công tác phòng chống thiên tai.

Có thể kể đến công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế, nhất là dự báo mưa trong phạm vi hẹp, lũ trên hệ thống các sông. Chưa xây dựng được các công trình cảnh báo sớm, cảnh báo tự động, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng như: hệ thống quan trắc mưa, gió ven biển, thông tin mưa lũ thượng nguồn ngoài biên giới,...

Hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai của khu vực đang còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, nhiều công trình thủy điện, thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, chưa được sửa chữa. Công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn. Một số đoạn quốc lộ, cao tốc, đường sắt không đảm bảo khả năng thoát lũ làm gia tăng tình trạng ngập lụt ở nhiều khu vực.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng lưu ý đến vấn đề hệ thống đê điều chưa được hoàn thiện trong khu vực. Đê biển mới được thiết kế chống bão cấp 9-10, trong thực thế thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão mạnh hơn. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân .

Thứ nữa là công tác theo dõi, giám sát, đảm bảo an toàn tàu thuyền, kể cả tàu cá và tàu vận tải vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Các khu neo đậu không đủ vị trí cho các tàu thuyền trú tránh bão. Công tác đảm bảo an toàn cho người và sản xuất tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản vẫn còn hạn chế. Việc tiếp nhận thông tin về thiên tai đối với khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài cũng như một bộ phận người dân, cộng đồng khu vực vùng sâu, vùng xa, trên các đảo chưa được kịp thời.

Sẵn sàng các giải pháp để ứng phó

Để chủ động phòng, chống thiên tai có khả năng xảy ra tại khu vực, đặc biệt là mưa lớn, bão, lũ quét, sạt lở đất,… đặc biệt là đang vào mùa mưa, bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị đối với Ban Chỉ huy các cấp của các địa phương trong khu vực cần chỉ đạo, sẵn sàng các giải pháp ứng phó thiên tai. Rà soát, cập nhật các phương án sơ tán, di dời, đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao.

Đi cùng với giải pháp trên, cần rà soát kịch bản, phương án ứng phó đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời ứng cứu khi có sự cố, không để bị động trong các tình huống bất ngờ.

Công tác thông tin liên lạc cần được lưu ý. Đảm bảo cung cấp và tiếp nhận thông tin được kịp thời, chính xác, nhất là thông tin tới nhân dân vùng sâu, vùng xa, khu vực người dân sinh sống, sản xuất không được phủ sóng di động.

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã rất quan trọng trong việc ứng phó với thiên tai ngay từ giờ đầu. Cần chỉ đạo kiểm tra an toàn đối với các công trình công cộng, nơi ở của người dân tại các điểm nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt ở khu vực đồng bằng, ven biển, các ao hồ, đập tại khu vực miền núi. Tháo dỡ vật cản, khơi thông dòng chảy, tránh tình trạng ngập úng hoặc lũ ống, lũ quét.

Quan tâm triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác tại các khu vực nguy hiểm, dễ bị ngập lụt, chia cắt, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố về điện lưới, thông tin liên lạc, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính trên địa bàn.

Đặc biệt, trong việc quản lý hồ chứa thủy điện, chỉ đạo các chủ hồ cùng cơ quan chức năng, chính quyền trên địa bàn rà soát, kiểm tra phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình. Vận hành xả lũ đúng quy trình được phê duyệt, có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Đồng thời, với hồ chứa thủy lợi, chỉ đạo việc kiểm tra các vị trí trọng điểm, xung yếu đối với các hồ chứa hư hỏng hoặc đang thi công. Thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để xử kịp thời các tình huống xảy ra. Tuyệt đối không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không đảm bảo an toàn.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, khu vực Bắc Trung Bộ là vùng có địa hình với độ dốc lớn, chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối. Mùa mưa tập trung trên 80% lượng mưa; thường xuyên chịu ảnh hưởng bão,mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, lũ xuyên biên giới từ Lào, gây thiệt hại lớn về người, tài sản cũng như kinh tế - xã hội của khu vực.

Đặc biệt, đây là khu vực thường xuyên xảy ra mưa lớn, nhất là mưa cường độ lớn trong 1 ngày (1.050mm/24h). Điển hình như lũ lịch sử tháng 11/1999 tại Thừa Thiên - Huế làm 366 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 2.300 tỷ đồng. Và gần đây, các đợt lũ chồng lũ trong khu vực từ tháng 10-12/2016 (đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình) làm 49 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất trên 5.300 tỷ đồng. Lũ lớn các năm 2007, 2017 tại Thanh Hóa gây sự cố, vỡ đê và thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Cùng với đó lã bão - loại hình thiên tai nguy hiểm và thường xuyên xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại lớn. Nguy cơ cao có bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào khu vực. Điển hình như bão Marty năm 1996 ảnh hưởng đến Thanh Hóa làm 119 người chết; bão số 10 năm 2017 đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió cấp 12, 13, giật cấp 15 làm 808 tàu thuyền bị hư hại, 200.000 nhà bị sập đổ, tốc mái, gây sự cố lớn về hệ thống đê biển dọc các tỉnh trong khu vực, thiệt hại trên 17.000 tỷ đồng.

Về lũ quét, sạt lở đất, thường xảy ra tại khu vực miền núi của các tỉnh và đang gia tăng trong những năm gần đây.

Đồng thời, sạt lở bờ sông, bờ biển, đang diễn biến phức tạp trong khu vực với 29 điểm sạt lở, trong đó có 23 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng khu vực dân cư và hạ tầng ven biển, nhất là khu vực cửa biển Hải Dương, Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực Bắc Trung bộ đã xảy ra 26 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, 6 trận động đất, 4 đợt nắng nóng. Trong đó, nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ ngày 21/5 tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với 41,2 độ C, mưa trái mùa 115mm tại Thừa Thiên - Huế từ 12-14/4. Hạn hán xảy ra nghiêm trọng trên toàn khu vực. Thiên tai đã làm 7 người chết, 14 người bị thương, 3.308 nhà bị hư hại, tốc mái, 18.390 ha lúa, hoa màu bị hư hại, tổng thiệt hại ước tính 243 tỷ đồng./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực