Sát cánh với người dân nơi lũ dữ

Thứ tư, 18/10/2017 08:37
(ĐCSVN) - Gần chục ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, lũ ống, lũ quét đã gây những thiệt hại lớn về người, tài sản tại một số tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc Bộ như: Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La...

Chính trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm đó, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” lại ngời sáng với hình ảnh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị bộ đội tích cực sát cánh cùng người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Các lực lượng bộ đội tích cực phối hợp tìm kiếm người bị nạn sau mưa lũ ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh PA

Là một trong những địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 41 người chết và mất tích, 8 người bị thương; ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra là hơn 802 tỷ đồng. Cụ thể, toàn tỉnh có trên 1.000 ngôi nhà bị sạt lở, ngập lụt, hư hỏng; riêng huyện Đà Bắc đã có 32 nhà bị sập hoàn toàn và lũ cuốn trôi, 85 nhà bị sạt lở đất. 100% diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó hơn 10.000 ha bị ngập hoàn toàn. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi khoảng 540 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân.

Tại huyện vùng cao Tân Lạc, trong đêm ngày 13/10 đã xảy ra vụ lở đất kinh hoàng tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc) vùi lấp 4 ngôi nhà khiến cho 18 người dân mất tích. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, trong thời khắc cùng cực nhất, các chiến sĩ bộ đội là những người đầu tiên đến được với bà con dân bản. Vừa động viên người dân, các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình vừa phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả mưa lũ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng chia ra làm hai hướng cơ động đến các địa bàn trọng điểm là xã Phú Cường (Tân Lạc) và xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) để tìm kiếm, cứu giúp người bị nạn, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Những ngày qua, từng đoàn chiến sĩ đã băng qua nhiều điểm sạt lở, lội suối, vác từng bao gạo, thùng mì tôm, nước uống đến từng bản làng bị chia cắt sau lũ để giúp đỡ người dân.

Chị Bùi Thị Liền ở xóm Nhạp Ngoài, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xúc động cho biết: “Lũ về bất ngờ, không ai kịp chuẩn bị gì hết. Cả nhà tôi may mắn thoát nạn. Những ngày qua, nhờ sự hỗ trợ của các chú bộ đội nên gia đình tôi mới có chỗ ngủ, có cái ăn. Người dân ở đây ai cũng biết ơn các chú bộ đội”.

Còn tại tỉnh Yên Bái, những ngày đầu tiên sau cơn lũ dữ lịch sử đêm 11/10, khi cả xã Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ gần như bị cô lập hoàn toàn. Lực lượng bộ đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái là những người đến đầu tiên đến được với bà con. Họ đã nỗ lực hết sức mình giúp người dân vùng tâm lũ sớm vượt qua hoảng loạn và mất mát để ổn định cuộc sống. Trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái, đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng khác tham gia tìm kiếm cứu nạn người mất tích dọc theo các con suối; chốt chặn các địa điểm nguy hiểm và cảnh báo cho nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân không vớt củi, đánh bắt cá…

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng thường trực bão lũ tỉnh Yên Bái, đến nay toàn tỉnh đã có 28 người chết và mất tích, trong đó có tới 14 người bị lũ cuốn vẫn chưa được tìm thấy; riêng huyện Trạm Tấu có 13 người chết và mất tích do mưa lũ... Trước những thiệt hại này, lực lượng vũ trang Yên Bái đã và đang tích cực giúp người dân các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Lò Văn Thân ở Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Bộ đội vừa cứu người, vừa chuyển gạo, mì tôm, nước uống cho dân. Bộ đội cứ vận chuyển lên các bản trên cao giúp dân, vất vả lắm. Mấy ngày qua, bộ đội còn giúp nhiều hộ trong bản dỡ nhà bị hư hỏng, làm lán nhỏ để ở”.

Thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn, trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, đã có hơn 25.500 lượt người thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai (bộ đội 6.962, dân quân 10.158, lực lượng khác 3.466) và 325 phương tiện. Kết quả, di dời được 17.563 hộ, cứu được 10 người bị lũ cô lập, gia cố được 1.200m đê... Cán bộ, chiến sĩ đã không quản nguy hiểm, khó khăn giúp vận chuyển được 17 tấn gạo, 1 tấn lương khô... đến hỗ trợ người dân tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề.

Đến thời điểm này, tuy hiện tượng mưa kéo dài đã tạm thời chấm dứt song do trước đó thời gian mưa liên tục nhiều ngày nên vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sạt lở đất đồi. Do vậy, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục tăng cường cơ động lực lượng, phương tiện có mặt tại địa bàn, phối hợp với chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương giúp đỡ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất, vệ sinh đường phố và các công trình công cộng; vệ sinh trường học để sớm ổn định đời sống người dân tại các vùng lũ dữ vừa đi qua.

Đồng chí Bùi Văn Nhỏ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc (Hòa Bình) cho biết: “Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, các đơn vị bộ đội đã phối hợp có hiệu quả cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác tìm kiếm người mất tích, khắc phục sự cố thiên tai và hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn, mất mát”.

Có thể thấy, với tinh thần trách nhiệm, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội đã nhanh chóng, kịp thời sát cánh cùng người dân nơi lũ dữ. Họ đã có mặt sớm nhất, tại những khu vực trọng yếu, nguy hiểm nhất để làm điểm tựa cho nhân dân; để giúp dân chống chọi với thiên tai. Họ đã không quản nguy hiểm, đội mưa, ngâm mình hàng giờ dưới nước giúp dân hộ đê, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán… Những việc làm bình dị, thiết thực đó đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và để lại những tình cảm đẹp, xúc động trong lòng người dân vùng lũ./.

Phan Anh (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực