Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp.
(Ảnh: VOV)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống dần. Đến ngày 25/9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu xuống mức 3,45m, dưới báo động 1 là 0,05m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc xuống mức 2,85m, dưới báo động 1 là 0,15m, sau đó lên lại.
Dự báo, đến ngày 30/9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,65m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m, sau đó biến đổi chậm. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký Quyết đinh số 1598/QĐ- UBND về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 8 điểm sạt lở nghiêm trọng, khẩn cấp với tổng chiều dài gần 27 km đang làm mất 17 nghìn ha rừng phòng hộ và uy hiếp tín mạng hàng nghìn hộ dân nơi đây.
Trước mắt, tỉnh Cà Mau ưu tiên số 1 là thực hiện dự án đầu tư kè chống xoáy lở cửa biển Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển với chiều dài 4.500 m với mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung khu vực xã Đất Mũi, trụ sở xã Đất Mũi, Đồn Biên phòng Đất Mũi và có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và điện trung thế, trạm y tế, trường học.
Tiếp đó là Dự án xây dựng kè chống xoáy lở cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển với chiều dài 1.400m. Đây là khu vực có nhiều vị trí sạt lở đã khoét sâu, lở hàm ếch, làm mất từng mãng diện tích rừng rất lớn; Dự án kè chống xoáy lở cửa biển Hố Gùi, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi; Dự án kè chống xoáy lở bờ biển đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, huyện Ngọc Hiển; Dự án kè bờ biển đoạn từ kênh Chốn Sóng đến kênh Năm Ô Rô, huyện Ngọc Hiển dài 4.000 m; Dự án kè ở cửa biển Hốc Năng, huyện Ngọc Hiển; Dự án bờ kè khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; Dự án kè đoạn từ kênh Năm đến kênh Ô Rô huyện Ngọc Hiển.
Tương tự như Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng cũng vừa ban hành tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông, bờ biển. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre vừa ký ban hành Quyết định số 2059 về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh này. Đây là một trong các địa phương xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được chủ động ứng phó.
Theo đó, tỉnh Bến Tre có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000 mét bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Đó là xói lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri chiều dài 1.200 m; xói lở bờ biển khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú có chiều dài 1.500 m; xói lở bờ biển khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại chiều dài 3.000 m; và sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre với chiều dài 1.200 m.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và TP.Bến Tre khẩn trương vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực này.
Được biết, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138 km, trong đó sạt lở bờ biển có 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19 km. Dù tỉnh Bến Tre đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở nhưng do sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi dòng chảy đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp diễn gây ảnh hưởng đến sản xuất, nơi ở của người dân.
Sóc Trăng là địa phương có trên 72 km bờ biển và hệ thống sông rạch chằng chịt với trên 500 km sông lớn, nhiều đoạn đê bao sông, đê biển trên địa bàn đã, đang có nguy cơ cao sạt lở trong mùa mưa bão. Đồng thời, Sóc Trăng cũng có trên 72 km bờ biển và hệ thống sông rạch chằng chịt với trên 500 km sông lớn, nhiều đoạn đê bao sông, đê biển trên địa bàn đã và đang có nguy cơ cao sạt lở trong mùa mưa bão.
Trước tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua diễn ra với mức độ, quy mô ngày càng nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã vừa có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn.
Theo các quyết định công bố này, tỉnh Sóc Trăng có nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm nằm trên địa bàn các địa phương bao gồm huyện Mỹ Xuyên có đoạn bờ kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố; huyện Long Phú có đoạn sạt lở bờ sông rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt thuộc xã Hậu Thạnh.
Huyện Mỹ Tú sạt lở bờ sông đoạn ấp Tam Sóc B2, xã Mỹ Thuận, từ bến phà đến cầu Mỹ Phước; ấp Mỹ Thuận, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa đoạn từ cầu kênh đê-Cầu Chùa; ấp Tân Thành, xã Long Hưng đoạn từ bến phà cũ đến kênh 1/5; đường 30/4, ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa đoạn từ cống thị trấn đến nhà hàng Hương Sen.
Trên địa bàn huyện Kế Sách, đoạn bờ sông Cái Côn, xã Thuận Hòa; kênh An Mỹ, xã Nhơn Mỹ; kênh số 1, xã Ba Trinh, Kế An và Kế Thành; rạch Vọp thuộc xã Trinh Phú và bờ sông Hậu thuộc xã An Lạc Tây.
Trong các khu vực được công bố, có khu vực đặc biệt nguy hiểm ở đoạn bờ sông Rạch Vọp khu vực chợ Cầu Lộ thuộc xã Thới An Hội, huyện Kế Sách và đoạn sạt lở bờ sông Hậu, sông Saintard, rạch Vọp khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng, huyện Long Phú.
Quyết định nêu rõ đối với khu vực đặc biệt nguy hiểm này, Ban quản lý dự án tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất, bố trí kinh phí triển khai khẩn cấp dự án kè gia cố bảo vệ bờ bằng kè lát mái.
Đối với sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm có đoạn từ giáp ranh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu.
Quyết định của Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cũng nêu rõ, Ban quản lý dự án tỉnh này phối hợp với các sở, ngành khẩn trương đề xuất phương án, giải pháp xử lý khẩn cấp.
Đối với đoạn từ cống số 2 đến cống số 4 tiếp tục tham mưu, đề xuất, triển khai khẩn cấp kè ngầm giảm sóng phía ngoài đê, đồng thời có biện pháp bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện chỉ còn 10-20m và tạo bãi bồi trồng rừng phòng hộ để hạn chế sạt lở về lâu dài.
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang là cao điểm của mùa mưa. Những cơn mưa kéo dài khiến đất đai ngấm nước làm cho sạt lở bờ sông diễn ra dữ dội hơn. Có rất nhiều nguyên nhân sạt lở bờ sông như khai thác cát hoặc do người dân có tập quán cất nhà ven sông, rạch cũng là nguyên chính gây ra sạt lở rộng khắp các địa phương trong khu vực.
Phần lớn những vụ sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đều ảnh hưởng đến nhà ở của dân cư. Theo các nhà chuyên môn thì do xây cất ven sông qua thời gian cùng với dòng nước chảy xiết nên không đủ lực chịu đựng gây ra sạt lở. Tài sản, nhà cửa bị nhấn chìm, thiệt hại không nhỏ đối với người dân. Mỗi năm 13 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long mất từ 300 ha đến 500 ha đất và hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở./..