Sóc Trăng: Vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào Khmer nghèo ổn định cuộc sống

Thứ bảy, 21/09/2019 21:48

(ĐCSVN) - Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW (ngày 22/11/2014) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều đổi thay tích cực. Từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng chục ngàn hộ đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng được cải thiện và có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng Dương Đình Lạng: Từ khi có Chỉ thị số 40 - CT/TW, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH tăng 30,8 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thời gian qua, NHCSXH rất quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi…cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Mặt khác, qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tình làng nghĩa xóm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau tại địa phương ngày càng gắn bó hơn, các thành viên tổ cùng giúp nhau sản xuất kinh doanh để mau chóng thoát nghèo.

Viên An là một trong những xã khó khăn huyện Trần Đề (Sóc Trăng), có trên 90% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, Viên An đã tập trung quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH  nhằm giúp hộ Khmer nghèo có điều kiện cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Tăng Khum, Phó Chủ tịch UBND xã Viên An cho biết: Để giúp đồng bào dân tộc nơi đây thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Viên An chỉ đạo các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, ban nhân dân ấp và ban giảm nghèo xã thực hiện đồng bộ các giải pháp lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển cây trồng, vật nuôi để nguồn vốn vay được phát huy hiệu quả. Hiện nay, Viên An có 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác với NHCSXH, có 31 tổ tiết kiệm và vay vốn với 908 hộ vay vốn, với tổng dư nợ trên 46,4 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn 119 triệu đồng. Qua quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Viên An đã đạt được những hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 6,6%.


Chị Lâm Mỹ Hạnh (dân tộc Khmer) ở ấp Bờ Đập, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) bên đàn bò sữa được đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.

Chị Lâm Mỹ Hạnh (dân tộc Khmer) ở ấp Bờ Đập, xã Viên An là một trong số rất nhiều hộ nghèo tại xã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2015, thông qua Hội LHPN xã Viên An, chị Hạnh được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Hạnh chia sẻ: “Thông qua các buổi sinh hoạt hội, tôi đã được tuyên truyền về các phong trào và hoạt động của Hội, trong đó, Hội có triển khai các chương trình cho vay vốn từ NHCSXH và tôi được bình xét để vay vốn với số tiền 50 triệu đồng. Sau khi nhận tiền vay, tôi được Hội LHPN xã, tổ tiết kiệm và vay vốn ấp tư vấn nên đã quyết định mua 2 con bò sữa về nuôi. Sau 4 năm, đàn bò của gia đình đã phát triển được 7 con, bình quân về từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày tiền bán sữa. Nhờ vốn vay ưu đãi của “bà đỡ” NHCSXH mà gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững”. Với sự nỗ lực, nguồn vốn vay được chị Hạnh sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nên gia đình chị từng bước vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tính đến nay, các chương trình tín dụng do NHCSXH tỉnh Sóc Trăng ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội ngày càng tăng; dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể đạt trên 3.470 tỉ đồng, (chiếm 99,9% tổng dư nợ), với 3.286 tổ tiết kiệm và vay vốn... Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc đạt trên 167 tỉ đồng với 17.449 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, do Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer, trình độ dân trí của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa biết cách tổ chức sản xuất, sắp xếp cuộc sống, thiếu tích lũy về vốn. Công tác chỉ đạo phối hợp lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn chưa phát huy hiệu quả cao... đã ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng chính sách.


Hộ nghèo và đối tượng chính sách xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tham gia giao dịch tại NHCSXH.

Để thực hiện tốt chương trình tín dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Ngô Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Công tác tín dụng chính sách xã hội sẽ tập trung đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là tranh thủ nguồn vốn Trung ương, ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương để tạo lập nguồn vốn nhằm mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phát triển các dịch vụ ngân hàng, củng cố hoạt động điểm giao dịch tại xã và nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm vay vốn, đảm bảo vốn vay được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Bài, ảnh: Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực