Susan Hammond với nỗ lực xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam

Thứ năm, 19/07/2018 22:17
(ĐCSVN) - Bà Susan Hammond bày tỏ: “Tôi đã nhìn thấy nhiều đổi thay kể từ lần đầu tiên đến đây, đặc biệt là đối với vấn đề môi trường và người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chất độc da cam. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho đất nước Việt Nam đến chừng nào còn sức lực”

Tận mắt chứng kiến những hậu quả khủng khiếp do chất độc da cam/dioxin để lại , bà Susan Hammond – Giám đốc tổ chức phi chính phủ War Legacies Project (Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh –  WLP) đã nỗ lực, dành nhiều tâm huyết trong việc hỗ trợ Việt Nam khắc phục những hậu quả chiến tranh, phục hồi môi trường, phát triển cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Việt Nam trở nên thân thương từ những ký ức của cha

Bà Susan Hammond – Giám đốc tổ chức WLP (Ảnh: Khánh Lan)

Ngồi trước mặt chúng tôi là một phụ nữ người Mỹ ngoài 50 tuổi, khuôn mặt hiền lành phúc hậu. Bà là Susan Hammond, Giám đốc tổ chức phi chính phủ War Legacies Project (Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh – viết tắt là WLP) – người đã gắn bó gần 30 năm với Việt Nam.

Cha của Susan Hammond là Prentice F. Hammond Sr – từng là kỹ sư xây dựng trong quân đội Mỹ và ông đã bị bệnh Parkinsons từ di chứng của việc phơi nhiễm chất độc da cam trong những năm ở Việt Nam. Khi trở về Mỹ, cha Susan không hề nói về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà kể cho con gái nghe về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam; đặc biệt là những nơi ông đã từng đặt chân đến như Quảng Trị, Quãng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, Sài Gòn. Đây chính là động lực khiến Susan muốn đến thăm Việt Nam và gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất hình chữ S này.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Susan Hammond cho biết: “Mặc dù Việt Nam và Mỹ cách xa nhau nửa vòng trái đất nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã được nghe những câu chuyện về Việt Nam qua những mẩu băng ghi âm mà cha gửi về  kể về vẻ đẹp của đất nước Việt Nam như thế nào, con người thân thiện và tuyệt vời ra sao… Sau này khi lớn lên, có điều kiện tìm hiểu về đất nước, con người, về các cuộc chiến tranh tại Việt Nam qua sách báo, đặc biệt là khi tận mắt chứng kiến những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam gây ra đối với cha tôi và các cựu binh Mỹ, tôi đã quyết tâm đến Việt Nam bởi tôi muốn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà chiến tranh đã để lại cho Việt Nam và lý do tại sao nước Mỹ lại thực hiện cuộc chiến tranh này”.

Với niềm khao khát khám phá vùng đất mới lạ và tìm hiểu về một Việt Nam tươi đẹp trong câu chuyện của cha mình, năm 1991, được sự ủng hộ nhiệt tình của cha, Susan đã đến thăm Việt Nam. Lần đầu tiên đến Việt Nam, những gì mà Susan cảm nhận được đây chỉ là một đất nước nghèo với những di chứng chiến tranh còn hiện diện khắp nơi; duy chỉ có người dân vẫn hồn hậu, chân tình, không hề tỏ ra thù ghét người Mỹ.

Mãi đến năm 1996, Susan mới có cơ hội quay lại Việt Nam để học tiếng Việt. Trở lại Việt Nam lần này, Susan Hammond may mắn gặp được Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài, một trong những người có nhiều đóng góp giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Bác sỹ Lê Cao Đài đã giới thiệu cho Susan Hammond nhiều trường hợp bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam do chiến tranh gây ra trong đó có một gia đình một quân nhân có hai người con gái sinh ra trước và sau chiến tranh. Trong khi người con gái lớn sinh ra trước chiến tranh rất thông minh, đã đạt học bổng du học Mỹ thì người con gái út do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ cha mình, đã bị bại não thể nặng khiến hệ vận động và trí tuệ không phát triển bình thường. Qua những câu chuyện, những hoàn cảnh được tận mắt chứng kiến khiến Susan Hammond nhận thấy, di chứng chiến tranh vẫn còn hiển hiện tại Việt Nam, ngay cả khi nó đã lùi xa hàng chục năm. Chính vì thế, Susan dành mọi tâm huyết và nỗ lực để nâng cao nhận thức của công chúng về những tác động dai dẳng của chất độc da cam và tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Cũng trong năm 1996, Susan Hammond trở thành một trong những người đầu tiên tham gia hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam với vai trò Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ). Cùng với đó, Susan Hammond đã làm việc để hỗ trợ giải quyết những tác động lâu dài về sức khỏe và môi trường của chất độc da cam bằng cách thông tin thường xuyên tới Quốc hội Mỹ, các viện nghiên cứu, giới báo chí, cựu chiến binh và công chúng ở Mỹ về tác hại của chất độc da cam với môi trường và sức khỏe của con người Việt Nam. Năm 2006, Susan Hammond thành lập Tổ chức phi chính phủ War Legacies Project (Tổ chức dự án di sản chiến tranh) nhằm hỗ trợ những người đang phải chịu các di chứng về sức khỏe và môi trường do cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Đau nỗi đau da cam với người dân Việt Nam, đồng hành chung tay hỗ trợ nỗi đau da cam

Trong gần 20 năm miệt mài hàn gắn vết thương chiến tranh tại Việt Nam, Susan Hammond đã gặp rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc với những đứa trẻ bị với những hình hài không hoàn chỉnh, với những căn bệnh do di chứng da cam khiến Susan Hammond đau lòng và càng thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc đồng hành cùng Việt Nam xoa dịu nỗi đau da cam.

Nhớ lại kỷ niệm ấn tượng nhất trong thời gian làm việc tại Việt Nam, bà Susan Hammond cho biết, vào năm 2007, tại Đồng Nai, bà đã gặp hai anh em tên Phú và Phi bị dị tật thể chất nghiêm trọng và họ để lại ấn tượng sâu sắc về nghị lực cũng như tình yêu cuộc sống. Susan Hammond gặp Phú và Phi khi họ là những chàng trai tuổi 20. Ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, nhưng với đôi chân không lành lặn, hai chàng trai chỉ có thể ngồi bất lực trên sàn nhà. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với bà Susan Hammond , người mẹ của Phú và Phi cho biết, khi còn nhỏ, bà thường cõng hai con đến trường nhưng sau này lớn lên bà phải thuê người đến nhà dạy kèm cho con ở nhà. Bà vẫn luôn mơ ước một ngày nào đó, hai con có thể tự đi lại bằng chính khả năng của mình. Vậy là để biến ước mơ của người mẹ thành hiện thực, Susan Hammond và WLP đã hỗ trợ gia đình những chiếc xe lăn Phú và Phi có thể tự di chuyển. Với sự ban đầu từ chiếc xe lăn của tổ chức WLP, Phú và Phi đã có thể tự đi lại bằng chính khả năng của mình và đã trưởng thành, tự đi học, đi làm  trong hơn 10 năm qua.  

Ngoài trường hợp Phú và Phi, Susan Hammond còn gặp một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn tại Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Gia đình này có cả ba cô con gái đều bị di tật do ảnh hưởng của chất độc da cam. Con gái cả trong gia đình bị thiểu năng trí tuệ. Con gái thứ hai bị câm, điếc và con gái út chậm phát triển. Thiếu bóng dáng người mẹ, người cha là điểm tựa duy nhất của 3 cô con gái. Hằng ngày, người cha già vừa lo cho các con vừa sửa xe đạp kiếm sống. Chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống, người cha của ba cô gái chỉ mong ước có được một chiếc ghế nhựa tử tế để có thể ngồi sửa xe kiếm sống nuôi các con. Qua câu chuyện đó, Susan Hammond đã hiểu được rằng, những sự hỗ trợ đơn giản nhất cũng có thể giúp đỡ các gia đình khó khăn ở Việt Nam vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Bắt nguồn từ những hoàn cảnh cụ thể mà Susan Hammond đã từng gặp, từng đi sâu tìm hiểu mà những dự án do bà Susan Hammond xây dựng và triển khai để hỗ trợ Việt Nam tuy không có quy mô hay giá trị lớn về tài chính, nhưng đều rất thiết thực đối với người hưởng lợi. Những dự án ấy càng có ý nghĩa quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh khi nguồn tài trợ cho một số dự án đến từ chính các cựu binh Mỹ và gia đình, với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra cho cả hai phía Việt Nam và Mỹ.

Tại tỉnh Quảng Nam, từ năm 2008 đến nay, cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam, bà Susan Hammond đã hỗ trợ trực tiếp cho 350 gia đình có trẻ khuyết tật nặng, sửa chữa cải tạo nhà ở, cung cấp vốn hoặc con giống để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật, cấp học bổng cho trẻ khuyết tật hoặc người trong gia đình trẻ khuyết tật. Ngân sách cho dự án này được quyên góp từ gia đình và bạn bè của ông Bob Feldman – một cựu binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hòa. Ông Bob mất năm 2006 vì ung thư do phơi nhiễm chất độc da cam khi còn tham chiến. Bà Susan Hammond đã gặp gia đình và bạn bè của Bob, đề nghị họ tiếp tục giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Trong năm đầu tiên, Quỹ Bob Feldman đã dành 50.000 USD hỗ trợ 50 gia đình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Biên Hòa. Tính đến nay, tổng giá trị của dự án này là hơn 250.000 USD.

Bên cạnh đó, bà Susan Hammond cũng dành nhiều nỗ lực để hỗ trợ giải quyết các tác động đối với môi trường của chất độc da cam ở Việt Nam. Bà đã cùng Tiến sỹ Võ Quý và Tiến sỹ Phùng Tửu Bối nghiên cứu các tác động của chất độc da cam ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bà Susan Hammond đã vận động quyên góp để trồng hàng rào xanh xung quanh điểm nóng dioxin ở A Lưới và hỗ trợ các gia đình ở khu vực này trồng cây mây để tăng thu nhập hộ gia đình.

Bà Susan Hammond đến thăm và trao quà cho gia đình anh Nguyễn Đức Tình ở Quảng Nam. Ảnh: KL

Đặc biệt, trong 20 năm qua, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng đối với chất độc da cam, bà Susan Hammond đã cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu thực hiện nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất độc da cam ở Việt Nam. Bà viết sách, báo về ảnh hưởng của chất độc da cam và thuyết trình tại nhiều hội thảo, sự kiện trên khắp nước Mỹ; tham gia tổ chức ra mắt nhiều bộ phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam, trong đó có các buổi chiếu phim “Châu Beyond the Lines” tại Thượng viện Mỹ và trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Bà xây dựng và tiếp tục cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất da cam trên trang http://www.agentorangerecord.com, thu hút 35.000 lượt truy cập mỗi năm từ Mỹ, châu Âu, Canada và Việt Nam. Bên cạnh đó, bà còn làm cố vấn cho tổ chức Ford Foundation trong Nhóm đối thoại Mỹ - Việt về chất độc da cam và Sáng kiến thông tin chất độc da cam ở Việt Nam.

Mặc dù đã gắn bó hơn 20 năm tại Việt Nam, cùng đau với nỗi đau da cam với người dân Việt Nam nhưng với Susan Hammond như thế vẫn chưa đủ để xoa dịu nỗi đau da cam mà người dân Việt đang phải gánh chịu bao nhiêu năm nay. Trước khi chia tay chúng tôi, bà Susan Hammond bày tỏ: “Tôi đã nhìn thấy nhiều đổi thay kể từ lần đầu tiên đến đây, đặc biệt là đối với vấn đề môi trường và người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chất độc da cam. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho đất nước Việt Nam đến chừng nào còn sức lực”./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực