Tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 18/10/2019 16:05
(ĐCSVN) - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đầu tư, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số bởi nếu không có giải pháp đột phá, không có quyết tâm chính trị cao thì đến một thời điểm nào đó, có thể hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người dân tộc thiểu số.

Hơn 877 tỷ đồng ủng hộ người nghèo

Quang cảnh đại hội.

Ngày 18/10 đã diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III năm 2019.

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ và 225 đại biểu ưu tú đại diện cho 30 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo chính trị của Đại hội do đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội trình bày nêu rõ: Với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 56,24%, 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực.

Với hàng ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội đã giúp các chương trình, dự án, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc được triển khai, thực hiện và phát huy hiệu quả. Các công trình hạ tầng thiết yếu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm hơn 4%/năm. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hộ nghèo giảm từ 6-8%/ năm. Các chính sách về định canh định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch đã giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Đáng chú ý, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số, từ năm 2016 đến nay đã có 21.845 hộ nghèo, 5.771 hộ cận nghèo, 1.790 hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho vay với số tiền giải ngân 1.098 tỷ đồng; mức vay bình quân đạt 37,3 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, các nguồn vốn khác tiếp tục được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng quy định và phát huy hiệu quả tốt. Chương trình mở rộng vệ sinh và nước sạch nông thôn đã hỗ trợ cho 30.000 hộ gia đình nghèo, cận nghèo cải tạo, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ năm 2014 đến nay đã mở mới, mở rộng được 820,35 km đường giao thông; kiên cố trên 1.147 km mặt đường bê tông xi măng...

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng đại hội.

Cùng với đó, giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số được đổi mới căn bản, toàn diện, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống trạm y tế các xã, các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được bổ sung về số lượng, nâng cao tay nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…

Tại đại hội, các đại biểu đã tham luận nêu lên những kết quả, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế; xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước… Đồng thời đề xuất kiến nghị giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất tinh thần, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Yên Bái tiến xa trên tiến trình hội nhập và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, để đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trong tỉnh ngày càng được nâng cao, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập chung chăm lo, đảm bảo mọi cơ chế, chính sách ban hành phải hướng về với đồng bào.Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục khơi dậy lòng tự tin, tự trọng, tự hào của đồng bào, lấy đồng bào làm chủ thể của việc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục ưu tiên xây dựng hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Đặc biệt là ngăn chặn tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao, chăm lo công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn biểu dương những kết quả đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt được nhiệm kỳ qua. Đặc biệt là công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án xóa đói giảm nghèo được triển khai phù hợp đối tượng và có hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị tỉnh Yên Bái sớm có kế hoạch cụ thể để triển khai “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thực hiện từ năm 2021 ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự đại hội.

Nhấn mạnh nguyên tắc căn bản của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc là "các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển", do vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số bởi nếu không có giải pháp đột phá, với quyết tâm chính trị cao thì đến một thời điểm nào đó, có thể hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó cần định hướng chính sách trong giai đoạn tới theo hướng “giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện”, trong đó tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một kênh huy động vốn quan trọng nhất. Đặc biệt, ngân hàng cần nghiên cứu tăng định mức vay của một hộ trong khoảng 100 triệu đồng, ban hành cơ chế cho vay theo dự án vừa và nhỏ, tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời, phải khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số, nỗ lực cùng với Nhà nước và xã hội để thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững.

Đại hội đã hiệp thương chọn cử 41 đại biểu chính thức và 9 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 và thông qua quyết tâm thư của Đại hội./.

Tin, ảnh: Hương Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực