Thanh tra công tác quản lý đưa người đi lao động ở nước ngoài

Thứ ba, 16/10/2018 10:18
(ĐCSVN) – Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu.(Ảnh: MD)

Chiều 15/10, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TBXH), Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định số 858/QĐ-TTCP, ngày 05/10/2018 của Thanh tra Chính phủ về việc Thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐ - TBXH và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Mục đích của việc thanh tra nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐ-TBXH và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua đó phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; Phát hiện những hạn chế, khuyết điểm và sai phạm (nếu có); Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Từ đó tăng cường hiệu quả thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nươc về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐ-TBXH, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Đoàn Thanh tra do ông Nguyễn Hữu Nhường, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối Văn hóa xã hội (Vụ III-Thanh tra Chính phủ) làm Trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 50 ngày thực tế (không kể ngày nghỉ, ngày lễ), kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn Thanh tra có nhiệm vụ thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được Tổng Thanh tra phê duyệt.

Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thanh tra phải đảm bảo chính xác, khách quan, dân chủ, công khai, có trọng tâm, trọng điểm, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; tuân thủ Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra và các quy định của pháp luật có liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Đoàn thanh tra làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ, Trung tâm Lao động ngoài nước chủ động tích cực phối hợp với Đoàn để Đoàn thực hiện nhiệm vụ của mình. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố được thanh tra chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để cung cấp kịp thời theo yêu cầu của Đoàn thanh tra. Theo Thứ trưởng, đây là cuộc thanh tra mang tính định kỳ nhằm giúp hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ tốt hơn trong thời gian tới.

Về phía Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, đây là một trong những cuộc thanh tra hàng năm theo kế hoạch năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, không phải là cuộc thanh tra đột xuất hay giải quyết đơn thư tố cao, vì vậy đề nghị các đơn vị nhận thức đúng mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra, quán triệt tư tưởng thật tốt cho cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị biết, tránh việc nhiều người hiểu lầm khi có Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ vào thì phải có vấn đề gì đó và lợi dụng việc có đoàn thanh tra để đơn thư tố cáo gây mất đoàn kết.

Theo ông Liêm, việc lựa chọn một số tỉnh có số lượng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều để minh chứng cho việc quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TBXH tốt hay còn hạn chế, các tỉnh đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước hay chưa. Từ tiếng nói của cơ sở sẽ sát thực tiễn để có kết luận đánh giá khách quan và công tâm./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực