Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em khó khăn

Thứ sáu, 23/08/2019 19:01
(ĐCSVN) - Đối với trẻ em không có giấy khai sinh, việc được đi học gần như là không thể, không những thế các em sẽ không được hưởng các dịch vụ bảo hiểm y tế, chăm sóc cộng đồng như bao đứa trẻ khác. Các em sẽ khó có thể tiếp cận các cơ hội phát triển công bằng, đối mặt với tương lai đầy khó khăn mà nguyên nhân khởi nguồn từ tờ giấy khai sinh.
Ngày 23/8, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Trang mới cuộc đời” – Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em khó khăn tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 6/2019 – 5/2020.

 

 Hội thảo khởi động dự án “Trang mới cuộc đời” – Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em khó khăn tại

TP Hồ Chí Minh giai đoạn 6/2019 – 5/2020

Hội thảo khởi động mở đầu cho chuỗi các hoạt động sắp tới hướng đến mục tiêu kết nối các bên liên quan trong hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có giấy tờ tuỳ thân, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trực tiếp cho 130  trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được cấp giấy khai sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng là cơ hội để các bên liên quan hiểu rõ hơn quy trình cấp giấy khai sinh và ý nghĩa quan trọng của tờ giấy khai sinh với cuộc đời các em. 

Dự án “Trang mới cuộc đời” được MSD triển khai từ năm 2014 và đã hỗ trợ được 45 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 6/2019 – 5/2020, dự án phối hợp với Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh và các bên liên quan với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE” do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1,5 triệu trẻ em, trong đó hơn 75.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 350.000 trẻ sống trong các hộ nhập cư, di biến động, hộ nghèo (2017), và hàng ngàn trẻ trong số đó không có giấy tờ tuỳ thân. Theo kết quả rà soát năm 2018, trên địa bàn Thành phố có 518 trường hợp trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, đã giải quyết đăng ký khai sinh cho 297, tuy nhiên, thành phố liên tục tiếp tục phát sinh mới nhiều trường hợp trẻ em chưa được khai sinh cư trú trên địa bàn Thành phố”, ngoài ra, việc dòng người nhập cư đổ về thành phố Hồ Chí Minh, không kể trẻ em đường phố, không có cư trú, di biến động, số lượng trẻ không có giấy khai sinh có thể rất lớn mà chưa có con số thống kê cụ thể.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Đối với trẻ em không có giấy khai sinh, việc được đi học gần như là không thể, không những thế các em sẽ không được hưởng các dịch vụ bảo hiểm y tế, chăm sóc cộng đồng như bao đứa trẻ khác. Các em sẽ khó có thể tiếp cận các cơ hội phát triển công bằng, đối mặt với tương lai đầy khó khăn mà nguyên nhân khởi nguồn từ tờ giấy khai sinh.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, giấy khai sinh giống như tấm hộ chiếu vào đời của các em là một trong các giấy tờ đầu tiên định danh để trẻ em không trở thành vô hình, được hưởng các quyền lợi của một công dân. Qua nhiều năm Dự án “Trang mới cuộc đời” đã hỗ trợ được nhiều em, với tấm giấy mỏng manh đó mà mới được đi học, được tiếp cận các dịch vụ công, dịch vụ xã hội dành cho trẻ em và từ đó phấn đấu cho các ước mơ của mình.

Việc cấp Giấy khai sinh cho nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn là thách thức lớn do thiếu giấy tờ gốc, thiếu chứng cứ về nhân thân của trẻ và bố mẹ, bản thân bố mẹ cũng không có giấy tờ tùy thân. Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tuy pháp luật quy định rất cụ thể nhưng vẫn để sót nhiều trường hợp rất khó hỗ trợ. Những trường hợp đặc biệt đến yêu cầu chúng tôi hỗ trợ, hầu hết giấy tờ đều không có, từ giấy đăng ký kết hôn tới thậm chí cả cha và mẹ đều không có giấy tờ gì, đôi khi chữ viết cũng không biết, thông tin bị khai sai từ tên tới địa chỉ, v.v. nên quá trình hỗ trợ làm giấy tờ rất khó khăn. Việc xác định cư trú của các trường hợp đặc biệt cũng rất thách thức do nhiều gia đình không có nhà, di biến động, nên nếu đăng ký theo nơi cư trú là không thực hiện được. Ngoài ra, việc lấy mã số cơ sở dữ liệu hộ tịch trực tuyến với các gia đình nghèo, không biết chữ, ít hiểu biết xã hội là quá khó khăn.

Việc có được giấy chứng sinh cho trẻ cũng rất khó, nhiều trẻ em lớn hơn 10 tuổi bệnh viện phụ sản huỷ hồ sơ, không còn lưu giấy chứng sinh nữa, còn làm chứng đôi khi cũng không có người thân biết rõ để đứng ra làm chứng... Nói chung, có rất nhiều vấn đề từ cả pháp lý và thực tiễn có thể hỗ trợ hiệu quả làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực