Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Chôl Chnăm Thmây

Thứ tư, 08/04/2020 09:10
(ĐCSVN)- Nhằm triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, không lây lan trong các ngày diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2020 (từ ngày 13 đến 16/4), nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tạm dừng một số hoạt động truyền thống trong dịp này...
Chùa của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: K.V) 

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Trà Vinh sẽ tạm dừng một số hoạt động phật sự truyền thống trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay. Theo Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, trước tình hình dịch bệnh khó lường, các chư tôn đức phật giáo, Ban Trị sự các chùa, hòa thượng, thượng tọa, trụ trì... các chùa trong hệ phái Nam tông Khmer của tỉnh Trà Vinh, cùng phật tử là đồng bào dân tộc Khmer luôn ý thức sâu rộng, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng về phòng chống dịch. Chính vì vậy tỉnh đã quyết định tạm dừng một số hoạt động truyền thống tụ tập đông người trong dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, như rước đại lịch, tắm phật, cầu siêu, chúc thọ cho các vị cao tăng, tiền bối... Được biết, tỉnh Trà Vinh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với gần 320.000 người dân tộc Khmer, chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh, trong đó, chủ yếu là phật tử.

Để nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu, trụ trì và ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh này thực hiện tốt một số nội dung, đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho đồng bào Khmer trong tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh. Đề nghị trụ trì và ban quản trị các chùa thực hiện các nghi lễ, như lễ rước đại lịch không được tập trung bà con phật tử trong thời gian rước đại lịch, thành phần thực hiện gồm 2 vị sư, 4 vị ban quản trị chùa; lễ đắp núi cát, khuyến cáo các chùa không tổ chức.

Đối với lễ cầu siêu, các vị sư tổ chức cầu siêu chung cho tất cả linh hồn người quá cố tại một điểm và chỉ tổ chức một lần, với thành phần thực hiện, gồm 4 vị sư, 6 vị ban quản trị chùa; tuyên truyền đồng bào không đến chùa thực hiện việc cầu siêu mà chủ yếu cung cấp danh sách các ông bà, tổ tiên đã qua đời cho các tổ trưởng chuyển đến các vị sư để làm lễ cầu siêu chung. Lễ tắm Phật chỉ làm lễ tượng trưng. Việc tổ chức dâng cơm cho các vị sư tại điểm chùa đề nghị giao cho tổ trưởng thực hiện, mỗi tổ dâng cơm 1 ngày cho các vị sư, không để bà con đến dâng cơm. Không cho phép người dân kinh doanh, buôn bán tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí…

Ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có kế hoạch tổ chức đón Tết cho bà con Khmer theo phương châm “vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, vừa cùng nhau phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Theo đó, việc chấp hành theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của địa phương…về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã được bà con hưởng ứng nhiệt tình và nghiêm túc. Các nhà chùa ở khu vực này tập trung đã tuyên truyền, vận động bà con tổ chức đón Tết với quy mô nhỏ, gọn, chủ yếu tổ chức trong phạm vi gia đình, không đến chùa đông người vì như vậy sẽ dễ lây bệnh. Đồng thời, khuyến cáo không tập trung bà con phật tử trong thời gian làm lễ rước đại lịch, thành phần thực hiện sẽ gọn, thuận tiện. Không tổ chức tiệc tùng, liên hoan linh đình.

Các địa phương cũng tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer khi có thân nhân là Việt kiều về thì phải khai báo y tế, cách ly đúng quy định… Song song đó, các địa phương cũng tiến hành in tờ rơi nội dung tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 phát đến đồng bào Khmer trên địa bàn để bà con hiểu và thực hiện theo. Tại các cổng chùa đều có bố trí lực lượng trực để hướng dẫn bà con phật tử rửa tay, sát khuẩn và phát khẩu trang miễn phí cho những ai không có khẩu trang...

Có thể nói, với sự vào cuộc kịp thời, khẩn trương của các cấp chính quyền địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với sự đồng lòng và ý thức cộng đồng trách nhiệm của đồng bào Khmer, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay sẽ đầm ấm, gói gọn các lễ trong nội bộ gia đình, tất cả bà con Khmer sẽ đồng tâm, hiệp lực thực hiện, góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19 một cách hiệu quả nhất./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực