Tiền Giang: Những mô hình nông dân tự học nghề và làm ăn có hiệu quả

Thứ ba, 05/01/2010 09:43

Theo Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam), “mô hình nông dân tự học nghề” đang được Trung tâm triển khai bằng hình thức cho mượn cây giống (ổi không hạt) và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho nhà vườn, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Sau một năm, những nhà vườn trồng trước sẽ trả gấp đôi lượng cây giống đã mượn và tự phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm lại cho nhà vườn trồng sau. Ông Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mô hình đầu tiên đã được triển khai tại xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trên diện tích 5 ha, với 5.000 cây ổi giống không hạt, trồng xen trong các vườn cây có múi. Kết quả, sau hai năm triển khai mô hình, từ 5.000 cây ổi giống không hạt ban đầu, đến nay đã nhân lên được 25.000 cây trong toàn tỉnh. Hiện mô hình vẫn đang tiếp tục được mở rộng sang các tỉnh khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Vĩnh Long, Bến Tre…Được biết, giá cây giống ổi không hạt trên thị trường khoảng 7.000 đồng/cây, trồng sau một năm sẽ cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 60-100 tấn/ha, giá xuất khẩu khoảng 8.000 đồng/kg. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu ra sản phẩm ổi không hạt cho nông dân


Tiền Giang có một nông dân sản xuất giỏi đã xây dựng mô hình làm ăn độc đáo tại vùng ngập lũ phía Tây tỉnh vừa tận dụng được diện tích đất canh tác nhỏ hẹp vừa sinh lợi cao, giải quyết tốt lao động nông nhàn. Đó là ông Đặng Văn Sết, cư ngụ tại xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè với trang trại nuôi cá cảnh. Trang trại của ông qui mô 4.000 m2 mặt nước được chia thành 25 ao nuôi đang ương và sản xuất, cung ứng cho thị trường nuôi cá cảnh 13 giống cá cảnh có giá trị được người tiêu dùng ưa chuộng như: cá Phượng Hoàng, cá Ông Tiên, cá Suy Can, cá Hà Lan 3 màu, cá Bạch Mạ... Qui trình nuôi cá cảnh phức tạp hơn nuôi cá giống, sưu tầm được các giống cá cảnh mà thị trường ưa chuộng để ương ép-sản xuất-cung ứng cũng đòi hỏi lắm công phu. Không ngại khó, ông Sết tìm hiểu, học tập qua tài liệu, qua cán bộ khuyến ngư đồng thời lặn lội đến tận những nơi ương dưỡng cá cảnh có tiếng tăm ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tp Mỹ Tho và các nơi học nghề. Thấy triển vọng tốt, ông mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sản xuất cá giống nước ngọt trước đây sang sản xuất cá cảnh. Ông Sết thừa nhận ban đầu gặp không ít khó khăn, nhiều lần thất bại, nhưng ông không nản chí. Khi thất bại chịu khó tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm và tiếp tục làm lại nên ông đã dần dần nắm vững được qui trình kỹ thuật, nuôi và sản xuất thành công cá cảnh kể cả công đoạn khó nhất là tự ương ép, cho cá cảnh đẻ nhân tạo. Kinh nghiệm hay ông đúc kết được là khi cho cá đẻ cần ương cá hương trong bạt nylon nhưng khi cá khỏe thì nên thả xuống ao để dưỡng tiếp đến khi đạt kích cỡ xuất bán. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, trang trại của ông Đặng Văn Sết cung ứng cho thị trường cá cảnh các nơi trên 20.000 con cá cảnh các loại. Mỗi năm sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/ năm từ con cá cảnh./.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực