Tiêu hủy xe máy cũ nát, cần lộ trình hợp lý

Thứ hai, 27/02/2017 16:02
(ĐCSVN) - Mặc dù đây là phương tiện mưu sinh của nhiều người, tuy nhiên sự tồn tại của những chiếc xe máy cũ nát đang là một thực tế đáng lo ngại về khí thải ra môi trường và an toàn giao thông Hà Nội.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm, đến năm 2016, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe máy chiếm tới 95% số lượng các phương tiện giao thông và tiêu thụ 56% xăng, lượng phát thải hydro carbon chiếm 94%, carbon oxít (CO) chiếm 87% và ôxít nitơ (NOx) chiếm 57%. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện cơ giới gây ra ngày càng đáng lo ngại.

 Mặc dù đã rất cũ nát, nhưng chiếc xe này vẫn được sử dụng để chở hàng hóa hàng ngày.


Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, cấp nước, xử lý rác thải. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang cố gắng và dự kiến đến kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 6/2017 sẽ trình chương trình liên quan đến hạn chế xe máy, sau đó sẽ trình Chính phủ. Tinh thần đề xuất theo hướng thành phố sẽ bỏ ra khoản tiền hỗ trợ và có biện pháp thu hồi các xe máy, ô tô đã quá hạn sử dụng. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay có khoảng 2,5 triệu xe máy trong số 6 triệu xe đang lưu thông trên địa bàn thành phố đã hết hạn sử dụng từ năm 2000. Do vậy, trong đề án liên quan đến việc hạn chế các phương tiện cá nhân dự kiến trình lên HĐND vào tháng 6 tới, thành phố sẽ tính đến chuyện thu hồi các loại ô tô, xe máy đã quá cũ mà vẫn còn đang được sử dụng hàng ngày.

Trên thực tế, không chỉ là vấn đề về môi trường và khí thải độc hại do các xe máy này thải ra, việc những chiếc xe máy đã quá cũ, thậm chí  thiếu hầu hết các bộ phận đảm bảo an toàn trên xe hoặc được chủ nhân của nó “độ” thêm các bộ phận khác lên thân xe dùng để chở hàng hóa cồng kềnh có trọng tải nặng như sắt thép, xi-măng khi lưu thông trên đường sẽ là hiểm họa cho không ít người tham gia giao thông. Chị Bùi Thu Trang (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng chủ trương này của TP. Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Mỗi lần đi qua phố Đê La Thành, tôi rất lo ngại với những chiếc xe chở giàn giáo và các thanh thép dài tới cả vài mét tại đây. Xe thì cũ nát, thậm chí một số chiếc chỉ còn trơ mỗi khung xe, kèm theo đó là khói bụi mù mịt, nếu để những chiếc xe này lưu thông trên đường, liệu có đảm bảo an toàn cho người đi đường?”.

Trước đây, không ít lần các cơ quan chức năng của thành phố ra quân “dọn dẹp” các loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng này lại tiếp tục diễn ra, gây bức xúc cho nhiều người dân khi đi lại trên đường.

Điều khiển một chiếc xe cũ nát, không đội mũ bảo hiểm, không xuất trình được giấy tờ của phương tiện, anh Hoàng Văn Duyên (Thái Nguyên) đã bị lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện. Theo quan sát của phóng viên, chiếc xe do anh Duyên điều khiển là loại xe Angel (SYM), loại phương tiện được sản xuất từ những năm 1995. Chiếc xe chỉ còn trơ lại phần máy xe và khung xe, các bộ phận như đèn pha, đèn hậu và phần nhựa bao quanh xe gần như không còn. Đáng lo ngại, mặc dù dùng để chở hàng hóa, nhưng chiếc xe này chỉ còn duy nhất phanh chân. Anh Duyên cho biết: “Đi xe như vậy em cũng biết là mất an toàn, gây ảnh hưởng tới người xung quanh bởi khói bụi và tiếng nổ của xe quá lớn. Tuy nhiên, em chỉ là người làm thuê, xe cũng là do chủ đưa cho sử dụng để chở hàng, vậy nên em vẫn phải sử dụng”.


Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về  tai nạn giao thông, những chiếc xe cũ nát này còn là một trong những 
nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường bởi lượng khói bụi thải ra.

Trước đó, theo Quyết định 16 ban hành ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1/2018, xe mô tô, xe gắn máy và ô tô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện Quyết định trên rất khó khăn. Bởi, trên thực tế, hiện nay chỉ có quy định niên hạn áp dụng với xe tải và xe khách, còn đối với xe ô tô con và xe máy thì vẫn chưa có quy định về niên hạn sử dụng nên chưa thể xác định xe như thế nào nằm trong diện bị thu hồi.

Theo ý kiến các chuyên gia, Hà Nội là một trong những địa phương có lưu lượng phương tiện xe máy nhiều hơn hẳn các nơi khác, do vậy độ ô nhiễm môi trường (nếu có) sẽ dễ ở mức độ cao hơn. Thời gian tới, nếu TP. Hà Nội muốn thu hồi xe máy cũ nát, quá hạn, thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đảm bảo hợp lý, hợp tình thì mới khả thi; căn cứ vào đó, ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với loại phương tiện này.

Chiếc xe máy, mặc dù có thể đã cũ nát, vẫn đang là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân. Việc thu hồi phương tiện này của một bộ phận người lao động liệu có hợp lý? Vì vậy, xem xét đảm bảo quyền của người có tài sản theo quy định của pháp luật là một  việc cần cân nhắc kỹ lưỡng, làm sao hài hòa được giữa các lợi ích của người dân, cộng đồng, xã hội.

Chở hàng thuê cho các cửa hàng kinh doanh sắt thép trên phố Đê La Thành, anh Nguyễn Xuân Dũng lo ngại bày tỏ: “Mặc dù cũ nát, nhưng đây là phương tiện mưu sinh hàng ngày của chúng tôi, vậy nếu thu phương tiện thì mức bồi hoàn cho những người có xe cũ như tôi ra sao? Và quan trọng hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm gì để sinh sống khi đã nhiều năm dùng phương tiện này để chở hàng thuê như hiện nay?”.

Có lẽ, với mức độ ô nhiễm không khí như hiện nay, chủ trương thu hồi các xe máy đã quá cũ nát, gây ảnh hưởng tới môi trường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc phải có các văn bản hướng dẫn để làm căn cứ thu hồi, cũng cần có những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân khi có phương tiện thuộc diện phải thu hồi, tiêu hủy./.

Bài, ảnh: Vũ Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực