Tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp

Thứ bảy, 29/12/2018 18:31
(ĐCSVN) - Dự báo từ ngày 29-30/12, các tỉnh từ miền Trung có nơi mưa rất to và có khả năng kéo dài đến ngày 3-4/1/2019.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: baogiaothong.vn)

Theo báo cáo nhanh ngày 29/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ ngày 29/12/2018 đến ngày 04/01/2019, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Bình Thuận khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông nhỏ ở Thừa Thiên - Huế, từ Quảng Ngãi đến bắc Bình Thuận lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên mức báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Sáng ngày 29/12, một số nơi thuộc các tỉnh từ thành phố Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Ba Na 79,6mm (thành phố Đà Nẵng); Tam Trà 31,6mm (Quảng Nam); Ba Nam 55,2mm, Trà Hiệp 43,4mm (Quảng Ngãi); Hồ Kim Sơn 40mm (Bình Định); Sơn Định 58,8mm, An Xuân 58,4mm (Phú Yên); Suối Sung 40,4mm (Khánh Hòa)…

Cảnh báo, khu vực nêu trên tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng phổ biến từ 30-40mm, cục bộ có nơi 60mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp và đô thị ở các tỉnh từ thành phố Đà Nẵng đến Khánh Hòa, đặc biệt là các huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng); Núi Thành, Bắc Trà My (Quảng Nam); Minh Long, Ba Tơ, Trà Bồng và Sơn Hà (Quảng Ngãi); Hoài Ân, An Lão và Vân Canh (Bình Định); Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân (Phú Yên); Vạn Ninh, Ninh Hòa và Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Về tình hình áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, hồi 01 giờ ngày 29/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 126,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippin khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 1h ngày 30/12, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc, 120,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Pa-la-oan (Philippin), sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Trong 24-48h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi 20-25km/h, đi vào biển Đông và mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 31/12, vị trí tâm bão ở khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa) khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Về tình hình hồ chứa thủy điện, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Bộ Công thương, trong 156 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 01 hồ xả điều tiết qua tràn (Sông Hinh xả 150m3/s); về tình hình hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đạt khoảng 90% dung tích thiết kế, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đạt khoảng 50-80% dung tích thiết kế, đặc biệt một số hồ đầy nước, như: Sông Mực, Hao Hao (Thanh Hóa); Vực Mấu (Nghệ An); Kim Sơn, Xuân Hoa (Hà Tĩnh); Vực Tròn, Sông Thai (Quảng Bình); Hà Thượng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế); các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đã tích đạt 80-100% dung tích thiết kế, một số hồ chứa lớn tích nước cao, như: Đồng Nghệ, Hòa Trung (Đà Nẵng); Phú Ninh, Khe Tân, Phước Hà (Quảng Nam); Suối Dầu (Khánh Hòa); Sông Trâu, Trà Co (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận); 07 hồ có cửa van đang xả qua tràn với lưu lượng từ 5-35m3/s (Quảng Nam: Phú Ninh 15 m3/s, Thái Xuân 5m3/s; Bình Định: Định Bình 30m3/s, Cẩn Hậu 5m3/s; Khánh Hòa: Suối Dầu 35 m3/s, Tà Rục 10m3/s, Cam Ranh 10m3/s); các hồ chứa khu vực Tây Nguyên đã tích đạt 70-95% dung tích thiết kế, 01 hồ có cửa van đang xả qua tràn với lưu lượng 5m3/s (Krông Buk Hạ).

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với rét hại, gió mạnh trên biển, mưa lớn và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông theo các văn bản số 207/TWPCTT ngày 25/12/2018 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và công văn số 635/TWPCTT-VP ngày 27/12/2018 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Văn Phòng Bộ Công an có công điện chỉ đạo các Ban Chỉ huy Ứng phó và biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Công an các tỉnh/thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang; Ban chỉ huy Ứng phó và biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn: K02, C07, C08, C10 ứng phó với áp thấp nhiệt đới; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ có văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó với rét đậm, rét hại, mưa rào và dông; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Bến Tre đã có công điện chỉ đạo các địa phương, ban ngành trực thuộc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, gió mạnh trên biển.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực