Toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thứ ba, 13/03/2018 16:36
(ĐCSVN) – Năm 2017, số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản tịch thu có chiều hướng giảm, nhiều điểm nóng về khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép đã được ngăn chặn, kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để sản xuất vẫn còn diễn ra phức tạp chưa được xử lý triệt để, chưa mang tính bền vững.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
và ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND các huyện, các ngành báo cáo tình hình công tác bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018; đồng thời nêu nhiều kiến nghị, đề xuất có liên quan đến UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, năm 2017 lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 930 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 241 vụ (tương đương 23,3%) so với năm 2016.

Cùng với đó, lực lượng Kiểm lâm đã xử lý 733 vụ; khởi tố 25 vụ án hình sự và thu nộp ngân sách nhà nước 7,3 tỷ đồng. Lực lượng Công an đã xử lý vi phạm hành chính 134 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; khởi tố 02 vụ án hình sự và nộp ngân sách nhà nước 1.079 tỷ đồng.

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, năm 2017 các Hạt kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy cũng như các ban quản lý rừng tại Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của các huyện, địa phương có rừng tổ chức trên 530 lượt tuần tra, truy quét về khai tháng khoáng sản trái phép có xâm hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó phá hủy và thu nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện có liên quan.

Song song với công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng, xâm phạm tài nguyên rừng, năm 2017 vừa qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam đã quan tâm làm tốt công tác đóng mốc ranh giới và điều chỉnh lâm phận của các tổ chức quản lý rừng; triển khai các đề án bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, trong đó có bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã hiện có kết hợp với khôi phục, bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi sinh sống trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến rừng như kế hoạch khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; triển khai đề án thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh….

Riêng với kế hoạch khoán bảo vệ rừng, đến nay, toàn tỉnh đã có 6 huyện gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đại Lộc, Phước Sơ, Quế Sơn, Duy Xuyên thực hiện khoán bảo vệ rừng được 40.692,91 ha và đang đề xuất khoán bảo vệ rừng thời gian tới trên diện tích 3.998 ha. Các huyện còn lại đang lập hồ sơ thủ tục giao khoán quản lý bảo vệ rừng.

Đánh giá kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định: Công tác này đã được các cấp, các ngành quan tâm sâu sắc và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là đã tham mưu ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Các đại biểu dự Hội ngh

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, năm 2017 cũng là năm đã phát hiện ra nhiều tồn tại hạn chế rất đáng lo ngại, đó là: Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra, cá biệt có nơi trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, điển hình là vụ phá rừng tại huyện Tiên Phước tháng 9/2017; trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp thiếu rõ ràng, chưa đồng bộ; lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế nhiều mặt; các chương trình, dự án về phát triển rừng triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, công tác tham mưu và phối hợp giữa các lực lượng với chính quyền các địa phương thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các tồn tại nêu trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thất thoát tài nguyên, tạo dư luận không tốt và gây bức xúc trong nhân dân.

Trên cơ sở những đánh giá tại Hội nghị, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, năm 2018, Quảng Nam sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm và quyết tâm huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đề cao vai trò giám sát và tham gia của người dân trong trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, công tác bảo vệ, phát triển rừng và quản lý tài nguyên khoáng sản.../.

 

 

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực