TP.Hồ Chí Minh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng giải tỏa ách tắc giao thông

Thứ tư, 26/04/2017 15:13
(ĐCSVN) – Với lượng xe máy liên tục tăng, hiện TP.Hồ Chí Minh có khoảng 7,5 triệu chiếc, chưa kể khoảng một triệu xe máy của người dân ngoại thành cùng các phương tiện giao thông khác lưu hành, đã khiến nhiều tuyến đường trong Thành phố thường xuyên bị ùn tắc giao thông dù không phải giờ cao điểm.

Các cửa ngõ ra vào TP.Hồ Chí Minh thường xuyên trong tình trạng ùn tắc. (Ảnh: K.V)

Trong khi đó, quỹ mặt đường của TP.Hồ Chí Minh chỉ vào khoảng 26 triệu mét vuông, không đủ chứa 75-80% lượng xe máy hoạt động với tốc độ cho phép. Bởi diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12 mét vuông cho mỗi xe, chính vì vậy, TP.Hồ Chí Minh cần có hơn 91 triệu mét vuông mặt đường, gấp 3,5 lần diện tích hiện có để các phương tiện tham gia giao thông không bị ùn tắc. Cùng với đó là kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của Thành phố chưa đồng bộ, chưa đảm bảo phát triển xe buýt công cộng phục vụ thuận tiện việc đi lại của người dân; hệ thống đường giao thông thiếu, khu dân cư nhiều đường hẻm…

Để khắc phục ùn tắc giao thông, TP.Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông tại các cửa ngõ vào Thành phố. Theo đó, một số dự án đang được tích cực triển khai ngay trong năm 2017. Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang chuẩn bị thực hiện hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng để xóa kẹt xe ở đoạn giao lộ giữa 2 đường này với đường Âu Cơ trên địa bàn quận Tân Bình và quận Tân Phú.

Do khu vực này có mật độ nhà cửa rất đông nên chỉ riêng kinh phí đền bù giải tỏa đã chiếm hơn 2.232 tỷ đồng, còn kinh phí xây dựng là 374 tỷ đồng. Khu quản lý giao thông đô thị số 1 được giao làm chủ đầu tư cả hai dự án này. Trong đó, 96 tỷ đồng là chi phí mở rộng 645m đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn Cộng Hòa - Lê Trọng Tấn) để đáp ứng 6 làn xe (từ 8m lên 30m). Đường Trường Chinh (đoạn Cộng Hòa - Âu Cơ) dài 765 m, rộng 10-12 m cũng được mở rộng lên 30m cho 6 làn xe với chi phí 278 tỷ đồng. Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh cho biết, đã bàn giao cắm mốc ranh giải tỏa ở hai dự án trên cho các địa phương. UBND quận Tân Bình và UBND Tân Phú đang chuẩn bị triển khai đền bù giải tỏa. Nếu có đủ mặt bằng trong năm nay thì đầu năm 2018 có thể triển khai thi công.

Trong khi đó, nhiều dự án giao thông lên đến hàng nghìn tỷ tại khu Nam TP.Hồ Chí Minh cũng đang được triển khai, đây là những dự án nhằm kéo giảm ùn tắc từ huyện Nhà Bè, Bình Chánh đến quận 7 và quận 4. Theo đó, mật độ dân cư khu vực phía Nam TP.Hồ Chí Minh hiện tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước. Giao thông quá tải, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng buộc Thành phố phải dồn sức kéo hạ tầng khu này lên bằng cách mở thêm đường, cầu kết nối với trung tâm.

Dự án mở đường kết nối 3 quận, huyện nói trên để hoàn thiện trục giao thông Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 9.430 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường mở ra hướng lưu thông mới từ trung tâm TP.Hồ Chí Minh về phía Nam và ngược lại.

Dự án được chia làm 2 phần. Đoạn đầu dài 3,8 km, rộng từ 40-60 m (8-10 làn xe) với mức đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng, được bắt đầu từ đường Hoàng Diệu (chân cầu Ông Lãnh - quận 4) tới vòng xoay Tôn Đản và Vĩnh Hội (quận 4), sau đó đi qua đường Lê Văn Lương bằng cầu Kênh Tẻ 2 và kết nối đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7). Phần còn lại sẽ từ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đến nút giao chân cầu Bà Chiêm (nối quận 7 với Nhà Bè) dài 7,5 km, quy mô 8-10 làn xe với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố cũng chuẩn bị xây dựng cầu dây văng Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và quận 2, ngoài việc giảm ùn tắc, cây cầu có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng còn được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội cho khu Nam của Thành phố. Cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2,1 km, tĩnh không 10 m, cầu thiết kế dạng dây văng gồm phần chính nối quận 2 và 7 (6 làn xe). Phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh được bố trí trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 và 2 nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát. Khi cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành cũng sẽ giải tỏa áp lực giao thông từ quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Một tuyến giao thông quan trọng cũng được đầu tư xây dựng, đó là đường Nguyễn Khoái, nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm TP.Hồ Chí Minh, dự kiến đường này khởi công ngay trong năm với tổng kinh phí khoảng 1.250 tỷ đồng, đường Nguyễn Khoái dài 1 km sẽ nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm thành phố và chia tải cho cầu Kênh Tẻ./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực