TP. Hồ Chí Minh tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ ba, 19/03/2019 17:51
(ĐCSVN) – Ngày 19/3, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, UBND Thành phố vừa có yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai nhất là các địa bàn xung yếu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo SGGP)

Trước dự báo tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm trong năm 2019, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các sở-ngành, quận-huyện nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu; kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành; tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn, diễn tập về công tác phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ thành thục nghiệp vụ…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận - huyện thực hiện tốt việc phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định cảnh báo ảnh hưởng của bão, nước dâng, ngập lụt do bão giúp nhân dân di dời, tránh trú an toàn; đánh giá khả năng nhận thức và ứng phó thiên tai của cộng đồng dân cư; đầu tư nâng cấp hoặc tu sửa các công trình phòng, chống thiên tai mang tính cấp bách trong năm 2019 theo hướng đảm bảo tính hiệu quả sử dụng lâu dài; đầu tư bổ sung phương tiện, trang thiết bị cần thiết theo hướng hiện đại để thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”; ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo sạt lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển và địa điểm an toàn di dời dân…

Sở Xây dựng cần hướng dẫn, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn khi đang thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình trên cao; kiểm tra tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, trụ sở cơ quan, nhà ở, chung cư; đốn hoặc chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây mục rỗng, sâu bệnh, tán lá lớn; duy tu, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, thay thế, vận hành có hiệu quả hệ thống thoát nước, các cống kiểm soát triều, van ngăn triều, trạm bơm…

Ngoài ra, UBND các quận-huyện cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn; xử lý các chủ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng, khu dân cư, các hộ dân có đất nhưng bỏ hoang không sản xuất, không xây dựng công trình, không bảo vệ, duy tu bờ bao; khuyến cáo chủ đầu tư, người dân có sở hữu các công trình ngầm chuẩn bị và thực hiện tốt phương án chống ngập khi mưa bão, triều cường…

Riêng UBND các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống thiên tai đã được chấp thuận chủ trương. UBND huyện Cần Giờ đề xuất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác quản lý khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi cho tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão./.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực