Về làng mang tên Bác

Thứ hai, 25/09/2017 10:31
(ĐCSVN) – Tại thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) có một ngôi làng từ lâu đã mang một cái tên rất đặc biệt “Làng Bác Hồ”. Với mỗi người dân ở “Làng Bác Hồ”, dù chưa một lần được gặp Bác, nhưng khi nói về Bác, trong ánh mắt của mọi người dân đều toát lên niềm tự hào và nói rằng, trong tim mình luôn có Bác.

Đi tìm tên gọi “Làng Bác Hồ”

Chúng tôi đến “Làng Bác Hồ” vào một ngày trời dịu nhẹ, quang cảnh nơi đây thật hùng vĩ và thơ mộng. Trước mắt chúng tôi là một ngôi làng với tên gọi rất đặc biệt - “Làng Bác Hồ”.

Với ước muốn được tìm hiểu về nguồn gốc tên làng rất đỗi thân thương đó, chúng tôi quyết định tìm đến ông Cao Dáng, nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Nam.

 

Ông  Phùng Văn Thông bên vườn bưởi da xanh
mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho gia đình.

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của tên gọi “Làng Bác Hồ”, ánh mắt của ông sáng lên một niềm tự hào: “Qua hai cuộc khánh chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà con A Xây không có một người nào theo địch, dù bị bắt, bị giặc tra tấn nhưng quyết không khai ra nơi che giấu cán bộ. Bà con đồng bào A Xây quyết một lòng theo Đảng, theo cách mạng đến cùng. Đặc biệt vào năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt, A Xây trở thành nơi nuôi giáu cán bộ cách mạng. Biết được điều đó, địch liên tục can quét A Xây. Khi ấy, đội trưởng A Ma Xanh nói với đồng bào: “Lời của Bác như lời của non sông, phải ghi nhớ và thực hiện”. Nói xong, A Ma Xanh đứng trước ảnh Bác và thề sẽ đánh Mỹ đến cùng. Ông đã dẫn đội du kích đi mai phục địch suốt bảy ngày đêm, sau đó đã bắn rơi máy bay Mỹ. Cũng từ đấy, A Xây được người dân gọi với tên gọi rất đỗi thân thương “Làng Bác Hồ”.Hơn nữa, đồng bào nơi đây tự coi mình là con cháu Bác Hồ. Điều đặc biệt, đi vào bất cứ nhà nào cũng thấy ảnh Bác được treo ở nơi trang trọng nhất.

“Làng Bác Hồ” nay đã đổi thay

Ngày nay, đến A Xây chắc hẳn ai cũng phải ấn tượng về những ngôi nhà cao, đẹp đẽ cùng những vườn chuối, bưởi da xanh, những cánh đồng mía, những rừng keo bạt ngàn. Không ai biết được rằng, mảnh đất xưa kia bom trên, đạn dưới, những quả đồi trọc, đất cằn sỏi đá. Nhưng nay, qua bàn tay lao động chăm chỉ, cùng sự tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, bà con đã biết trồng thâm canh, tăng vụ, xen canh lấy ngắn nuôi dài mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình ở A Xây bây giờ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ kinh tế phát triển VAC.

Điển hình như gia đình ông Phùng Văn Thông, dân tộc Nùng là hộ khá giả nhất trong thôn A Xây, với thu nhập 400 – 500 riệu đồng/năm.

Năm 1994, ông Thông đưa cả gia đình vào thôn A Xây lập nghiệp. Nhờ sự cần cù, chịu khó lao động, lại biết áp dung khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên ông đã từ một hộ nghèo nhất thôn trở thành hộ có kinh tế khá giả với nguồn thu nhập ổn định từ vườn bưởi, cam, quýt chuối, vườn keo...

Cũng như gia đình ông Thông, gia đình ông Cao Thành  - dân tộc Raglai và bà Trương Thị Xuyến, bà Phùng Thị Mèn cũng thoát nghèo nhờ áp dụng kĩ thuật trồng mía và keo, với thu nhập hàng năm lên tới 200 triệu đồng/năm.

 

Bà Trương Thị Xuyến bên ngôi nhà khang trang của mình.


Bà Trương Thị Xuyến chia sẻ: “Nhà tôi thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm nhờ phát triển cây mía, cây bưởi da xanh và cây keo. Từ hộ gia đình nghèo, hiện gia đình tôi làm được nhà to, sắm đầy đủ tiện nghi, mua được xe máy đi lại. Ở A Xây còn nhiều gia đình có hàng trăm triệu gửi ngân hàng ấy chứ. Mới ngày nào, cái nghèo, cái đói bám lấy A Xây, giờ A Xây đã đổi thay rất nhiều. Chúng tôi có của ăn của để như bây giờ chính là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ vay vốn làm ăn, nên bà con mới có cuộc sống ổn định như hôm nay. Ai cũng phấn khởi, chịu khó làm kinh tế”.

Ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam chia sẻ, hầu như các hộ thôn A Xây đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, 100% đều thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, đến nay, xã đã có hơn 60% hộ thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế. Điều đáng chú ý là bà con A Xây luôn giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau những cách làm tốt nhất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Mặt khác, ở A Xây, tỉ lệ sinh con thứ ba rất ít, chỉ còn 9%. Bà con đã biết đưa con em đi tiêm phòng. Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi đạt 100%”.

Trời đã dần về chiều, chúng tôi rời A Xây. “Làng Bác Hồ” để lại dấu ấn sâu đậm trong chúng tôi với những con người một lòng kiên trung với Đảng, với nước, những con người đôn hậu, chăm chỉ, biết vượt qua đói nghèo bằng chính ý chí, nghị lực và một lòng tin theo Đảng, theo Bác./.

 

 

Bài, ảnh: Hà Na

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực