Vì đâu dự án cung cấp nước sạch chậm triển khai?

Thứ sáu, 06/09/2019 17:18
(ĐCSVN) - Tại Phiên giải trình của HĐNĐ TP Hà Nội về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân ngày 6/9, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều dự án cung cấp nước sạch triển khai trên địa bàn các quận, huyện thực hiện chậm. Đại biểu đề nghị đại diện sở, ngành làm rõ bức tranh toàn cảnh về việc cung cấp nước sạch? Vì đâu dự án chậm triển khai?...

Hà Nội: Giải trình cung cấp nước sạch cho người dân

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh:TA)

Nước sạch tới tận nhà nhưng người dân lại không dùng

Theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, có một nghịch lý là trong khi nhiều nơi người dân khao khát nước sạch nhưng dự án chậm, thì lại có nhiều khu vực được cung cấp nước sạch tới tận nhà nhưng người dân lại không dùng hoặc dùng rất ít.

Tính đến thời điểm 31/7/2019, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tập trung và 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch.

Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch đã tăng lên 65% (năm 2016 mới đạt 37,2%), tương đương hơn 600 nghìn hộ với hơn 2,3 triệu dân dùng nước sạch, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khoá XVI.

Tuy nhiên, trong 11 dự án phát triển nguồn tập trung đang triển khai thì mới có 4 dự án hoàn thành, còn lại là chậm hoặc chưa triển khai. Trong số 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước, mới có 14 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 12 dự án đang triển khai thực hiện, còn lại 2 dự án chưa thực hiện.

Theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, tính đến thời điểm này, vẫn còn 35% dân số khu vực nông thôn chưa có nước sạch từ nguồn tập trung; khoảng 160 xã chưa có hệ thống nước sạch. Có những địa bàn tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp, như Mỹ Đức 16%, Chương Mỹ 17%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 19%... Vì vậy, mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được dùng nước sạch sẽ khó lòng thực hiện.

Giám sát của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy, ngoài nguyên nhân doanh nghiệp đầu tư nước sạch ở nông thôn thiếu vốn để đầu tư, thì còn có tình trạng nhiều khu vực được cung cấp nước sạch tới tận nhà nhưng người dân lại không dùng hoặc dùng rất ít, dẫn đến nhiều dự án nước sạch không đem lại hiệu quả.

Cụ thể: Tại Trạm cấp nước Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, năng lực của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ nước sạch Tuấn Minh có thể cấp ngay tại chỗ cho hơn 3 nghìn hộ dân nhưng lại chỉ có 1.100 hộ đấu nối, trong đó có khoảng 600 hộ sử dụng nước sạch, còn lại đa phần vẫn dùng nước giếng khoan, dẫn đến tình trạng bỏ dở dang đường ống…

Huyện Hoài Đức hiện nay đã phủ kín nước sạch ở cả 20 xã, thị trấn với tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt con số 76%. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại không đồng đều. Có những xã như Cát Quế, theo thống kê mới chỉ có 11,3% người dân sử dụng nước sạch.

Công ty cổ phần cấp nước Sơn Tây cho biết, hiện nay, hệ thống của đơn vị đạt công suất 30 nghìn m3/ngày đêm, mạng lưới đã phủ đến 25 xã phường của thị xã Sơn Tây và các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ với khoảng hơn 40 nghìn hộ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Công ty hiện nay là người dân ở khu vực nông thôn sử dụng nước sạch rất ít.

Theo HĐND TP, xã hội hoá công tác cấp nước sạch là một chủ trương rất đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên, để doanh nghiệp triển khai thành công rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, tích cực dùng nước sạch. Có như vậy doanh nghiệp mới mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này…

Chậm do vướng giải phóng mặt bằng, khả năng nhà đầu tư

Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) nêu câu hỏi: Trên địa bàn TP hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước tuy nhiên có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai. Vậy nguyên nhân, trách nhiệm của Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan là gì? Đâu là các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Đại biểu Đoàn Việt Cường đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. (Ảnh:TA)

Nhiều dự án chậm triển khai tại địa bàn các quận, huyện cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, tiêu biểu như: Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) gần 6 năm vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, một số hạng mục xuống cấp; dự án nước tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng vẫn khó khăn trong triển khai...

Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), cho rằng, thời gian qua rất nhiều dự án được đầu tư triển khai, trong đó có nhiều dự án như Nhà máy Nước mặt sông Đuống hoàn thành trước 16 tháng. Tuy nhiên vẫn còn những dự án chậm, trong đó có việc chuyển chủ đầu tư dự án. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết, con số chính xác về những dự án này.

Đại biểu Hoàng Tú Oanh (huyện Đan Phượng) chất vấn, năm 2017, UBND TP đã chấp thuận hai doanh nghiệp cấp nước sạch trên địa bàn huyện Phúc Thọ gồm: Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường biển thực hiện dự án 2 xã Long Xuyên, Thượng Cốc và Công ty cổ phần Xây dựng Việt Nam thực hiện nối mạng cấp nước cho 3 xã Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc. Hai dự án này có tiến độ hoàn thành vào năm 2018, tuy nhiên, hiện tại hai dự án vẫn chưa thi công, đất đã giải phóng mặt bằng nhưng để hoang. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân, giải pháp giúp huyện Phúc Thọ?

Giải trình các nội dung được đại biểu đã nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Phát triển nguồn cấp nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, "xương sống" của thành phố. Trong hơn 1 năm, thành phố đã cho triển khai 11 dự án, hiện hoàn thành với 1.520 m3/ngày đêm với 5 nhà máy, đã tăng hơn 600.000/m3 ngày đêm so với năm 2016; đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…

Giám đốc Sở Xây dựng cũng giải thích thêm việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Về các dự án chậm tiến độ, thành phố sẽ có biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Ví dụ, Sở đã yêu cầu Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ. Từ nay đến hết quý III, nếu công ty này không thực hiện, thành phố sẽ xem xét để thay thế nhà đầu tư.

Ông Lê Văn Dục cho biết, Thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, một số khu vực ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất có khó khăn do dân cư thưa thớt, địa hình khó… Lãnh đạo Sở Xây dựng cam kết sẽ đôn đốc, đảm bảo tiến độ các dự án nước sạch...

Về Dự án trạm cấp nước cục bộ (Công ty Minh Quân đầu tư) ở thị trấn Đại Nghĩa, ông Dục cho biết hiện dự án đang gặp vướng mắc do Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đâu tư. Trước mắt, thành phố sẽ đưa công suất 16.000 m3/ngày đêm của nhà máy sông Đuống và 10.000m3/ngày đêm của nước mặt Quan Sơn để đưa nước đến trạm cấp nước Đại Nghĩa.

Chưa bằng lòng với giải trình của Sở Xây dựng, nhiều đại biểu nêu ý kiến cho rằng, các dự án còn vướng do tổ chức khảo sát chưa tính toán hết được nguồn ô nhiễm nước, nên mặc dù đã đầu tư xong nhà máy nhưng không có nguồn cấp nước cho các nhà máy này.

Đại biểu đề nghị có giải pháp tính toán để sử dụng tránh lãng phí với những gì thành phố đã đầu tư. Ngoài ra, nhiều dự án thực hiện chậm do chậm bàn giao mặt bằng, vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giao đất cho chủ đầu tư như thế nào?...

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực