Vui Trung thu – hãy vì “Tết của trẻ em”

Chủ nhật, 01/10/2017 10:27
(ĐCSVN) - Trung thu vốn là “Tết của trẻ em”. Nhưng giờ, ở một số cơ quan, tổ chức, địa phương đang chạy theo phong trào, biến đêm Trung thu thành “Tết của người lớn” không chắc đã hiệu quả và gây lãng phí.

Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Theo phong tục, buổi tối đêm Trung thu, người lớn thì đàm đạo, thưởng trăng và hát trống quân; trẻ em thì đi rước đèn, xem múa lân, ca hát các bài hát Trung thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung thu dưới hình thức một mâm cỗ… Ông bà, cha mẹ phát quà cho các con cùng với những lời căn dặn phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi, sau này trở thành người tốt. Cứ gần đến ngày này là trẻ con lại háo hức chờ mong. Chính vì vậy, từ ngàn đời nay, Trung thu luôn được coi là “Tết của trẻ em”.

Những chiếc đèn Trung thu cỡ lớn chuẩn bị diễu hành (Nguồn ảnh: Thanh niên.vn). 

Nhiều năm trở lại đây, Trung thu còn là dịp để các tổ chức, cá nhân biểu thị tấm lòng thơm thảo, sự hảo tâm, quan tâm tặng quà cho những trẻ em có mảnh đời bất hạnh, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; giúp các em vơi bớt nỗi buồn tủi, cô đơn, hòa đồng với các bạn cùng trang lứa. Đó là những hành động và việc làm rất nhân văn, nhân ái trong xã hội...v.v.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cá biệt “không bình thường”, chia sẻ với các cháu thì ít mà lợi dụng “PR”, quảng cáo, đánh bóng tên tuổi, đánh bóng thương hiệu cho một sản phẩm nào đó... hỗ trợ cho các cháu được vài chục, vài trăm suất quà với mấy gói bánh, vài gói kẹo, nhưng “trống dong, cờ mở”, kéo đoàn, kéo hội đến nhằm biểu dương lực lượng, tô vẽ hình ảnh. Chi phí đi lại, ăn ở cho những người đi chia phát quà còn lớn hơn so với giá trị của quà tặng.

Gần đây, một số cơ quan, tổ chức, địa phương còn chạy theo thành tích, phong trào biến đêm Trung thu rước đèn ông sao thành kiểu như “Lễ hội carnival rước đèn Trung thu”, “Xác lập kỷ lục đèn Trung thu to nhất, nhiều đèn Trung thu nhất”, v.v... Thôi thì “phú quý sinh lễ nghĩa”, ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tổ chức những lễ hội như thế này gắn với hoạt động quảng bá, thu hút du lịch (chủ yếu là khách quốc tế đến từ châu Âu, nơi không có truyền thống rước đèn Trung thu), nhằm tăng sơ lượng du khách địa phương khác, khách quốc tế. Nhưng thực tế, ở một số địa phương vẫn còn nghèo, khách du lịch ít, có chăng thì chỉ là khách nội địa, thì việc chạy theo những lễ hội như vậy chưa chắc đã mang lại hiệu quả, có khi còn gây tốn kém và lãng phí ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực xã hội, trong khi vẫn còn nhiều vấn đề an sinh xã hội gay cấn khác (như xóa đói giảm nghèo; xây dựng trường lớp học, đường giao thông…) cần phải giải quyết.

Để làm được một chiếc đèn Trung thu đủ “tiêu chuẩn” và không “đụng hàng”, thường là tốn kém ít nhất cũng vài chục triệu đồng. Xương đèn được làm bằng sắt, căng vải màu, trang trí hoa văn sặc sỡ, gắn trên khung gầm xe ô tô tải, bên trong thắp bằng bóng điện. Vì chi phí khá lớn nên một hộ gia đình không đứng ra làm mà mỗi tổ dân phố cùng góp kinh phí theo hình thức “xã hội hóa”. Đã động đến chuyện đóng góp kinh phí ở khu dân cư thì dù muốn hay không, ủng hộ hay không cũng phải góp. Đèn làm xong thường sẽ phá bỏ để năm sau không đụng hàng. Cả phường, cả xã, cả huyện, cả tỉnh… chi phí làm đèn Trung thu theo kiểu “xác lập kỷ lục” có khi lên đến nhiều tỷ đồng. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, địa phương này làm đèn to – đẹp, thì địa phương khác phải làm to – đẹp hơn; năm nay to – đẹp, thì năm sau phải to – đẹp hơn, và như vậy chi phí cùng với sự lãng phí cứ năm sau cao hơn năm trước.

Trung thu vốn là “Tết của trẻ em” thì cứ làm sao để trẻ em được vui sướng nhất, có khi đó chỉ cần là những niềm vui nhỏ nhỏ, xinh xinh và rất giản dị, gần gũi với tuổi thơ. Vì vậy, người lớn hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để trẻ em được vui đêm Trung thu một cách tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; đó cũng chính là dạy cho các con ý thức tiết kiệm ngay từ nhỏ, chứ người lớn đừng vơ vào lấy đó là “niềm vui”, là “thành tích” của mình./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực