Vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc

Thứ ba, 25/02/2020 10:41
(ĐCSVN) - Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Nhờ vậy đến nay, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
leftcenterrightdel

Mạng lưới giao thông xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị khá hoàn chỉnh, vận chuyển hàng hóa

dễ dàng, giúp gia tăng giá trị nông sản của bà con. 

Đến các vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại Sóc Trăng những ngày này sẽ dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở các phum, sóc. Đường nối liền đường, nhà nhà có điện thắp sáng hay những căn nhà dột nát, xiêu vẹo ngày nào nay được thay thế bởi nhà tường kiên cố và sạch đẹp cho thấy đời sống của người dân của đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc. 

Ông Danh Hiền, người dân ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, cho biết: “Lâm Tân dù là xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện nay mạng lưới giao thông đã đầu tư khá hoàn chỉnh. Hai tuyến huyện lộ với đường nhựa rộng rãi chạy song song đi qua xã, rồi các tuyến đường được xây dựng đến từng ấp theo quy chuẩn của nông thôn mới, giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, hiệu quả, giá trị nông sản của người dân cũng từ đó được nâng lên”.

 Cùng với đó, chính sách dân tộc, chương trình 135, nông thôn mới được đầu tư, triển khai kịp thời, giúp đời sống của người dân các xã, ấp đặc biệt khó khăn ở Sóc Trăng được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, Sóc Trăng còn chú trọng thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất, giúp trình độ, kỹ năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi của đồng bào Khmer chuyển biến mạnh.

Từ sự hỗ trợ của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, ông Lý Tấn Hùng, nông dân trồng màu lâu năm ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng màu trong nhà lưới trên diện tích 500m2 với hệ thống tưới tiêu tự động. Theo ông Hùng, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất thiết thực, cây màu cho năng suất và chất lượng đảm bảo và an toàn, mỗi vụ ông thu về lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng từ trồng rau các loại, cao hơn nhiều so với cách trồng thông thường trước đây.

leftcenterrightdel
Nông dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên trồng mau cho thu hoạch cao nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, địa phương có hơn 85% dân số toàn xã là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã và đang tiếp tục khẳng định cho sự vươn mình phát triển. Đây cũng là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện điểm nông thôn mới Mỹ Xuyên từ năm 2015. Kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn… Từ đó, trở thành bước đệm vững chắc cho sự phát triển của phum, sóc.

Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên Lâm Sơn Hiển chia sẻ: “Những năm qua, xã đã triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó, nhiều nhất là mô hình nuôi bò, trồng màu thế mạnh của địa phương, nhờ vậy mà hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 2% hiện nay”.

 Tính đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển, chính sách đầu tư đã có tác động mạnh đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống, xã hội. Hiện nay, vùng đồng bào Khmer đều có điện sử dụng; nước sạch sinh hoạt; đường ôtô đến trung tâm xã; trạm y tế, trường học được kiên cố… Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn và phát huy.

 Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: “Là địa phương có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện các chính sách và chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, tỉnh ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển về giao thông và kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa và dân trí ở vùng có đông đồng bào dân tộc, tạo cho bà con có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.

 Có thể thấy, từ chính sách quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng nay đã và đang tiếp tục phát triển mạnh trên các lĩnh vực, bà con không ngừng phấn đấu làm kinh tế gia đình, đưa đời sống, văn hóa, tinh thần không ngừng được cải thiện rõ nét./.

Thanh Nam - Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực