Xã hội hóa hoạt động thư viện - phòng đọc sách báo làng

Thứ sáu, 08/01/2010 20:31

  
Bạn đọc lứa tuổi thanh, thiếu niên thường xuyên đến đọc sách, báo tại Thư viện Khoa học tổng hợp Thanh Hoá. 
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện cơ sở, nhằm khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia và phát triển thư viện- phòng đọc sách, báo làng (TV-PĐSBL) là một trong những trọng tâm công tác của ngành văn hóa – thể thao và du lịch.

Trong những năm vừa qua, ngành đã tập trung chỉ đạo mô hình TV-PĐSBL, nhằm đưa các hoạt động đọc sách, báo và thư viện về gần dân để xây dựng phong trào đọc.

Với hướng đi này, tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 3.500 TV-PĐSBL. Với phương châm “Góp một quyển sách để đọc nghìn quyển sách” đã tạo ra phong trào quyên góp sách rộng rãi trong các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân cho các TV-PĐSBL. Nhiều TV-PĐSBL có quy mô vốn sách hàng ngàn bản, hàng chục loại báo, tạp chí, có phòng đọc khang trang, rộng rãi như các xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa); Nga Mỹ, Nga Thái (Nga Sơn); thị trấn Vạn Hà, Thiệu Trung (Thiệu Hóa); Vĩnh Long (Vĩnh Lộc); phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn); khu phố 10 (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa); làng Duy Tinh, xã Văn Lộc và xã Phú Lộc (Hậu Lộc)... Nhiều tập thể, cá nhân, đặc biệt con em trong các làng đã hiến tặng cho phòng đọc sách báo của làng hàng trăm cuốn sách hay trong tủ sách của gia đình mình; có nơi chưa có nhà văn hóa làng, các gia đình tự nguyện cho mượn địa điểm để làm phòng đọc sách, báo làng; hàng ngàn cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi tình nguyện làm thủ thư, trông coi và tổ chức phục vụ đọc sách ở làng mình... Nhiều làng văn hóa đã trích lập quỹ làng hoặc tranh thủ nguồn hỗ trợ mua sách, báo và luân chuyển sách báo từ các thư viện huyện, thư viện tỉnh để bảo đảm có thêm nguồn sách báo mới cho phòng đọc...

Theo thống kê bước đầu, hiện nay vốn tài liệu sách báo trong các TV-PĐSBL trên địa bàn tỉnh có khoảng 800.000 bản sách, hàng triệu bản báo các loại. Nhìn chung hoạt động từ các TV-PĐSBL, đã góp phần cho người dân địa phương có điều kiện nắm bắt những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cập nhật thông tin thời sự chính trị và các sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa; phổ biến, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và đời sống; phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho quần chúng nhân dân.

Ông Hoàng Văn Hùng, cán bộ ở làng Cẩm Bào, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) tâm sự: phòng đọc sách, báo làng ở Cẩm Bào là nơi sinh hoạt văn hóa của làng. Vì vậy, làng đặt phòng đọc sách tại khu di tích của làng vừa là nơi giáo dục truyền thống quê hương, vừa giáo dục người dân trong làng tạo thành thói quen đọc sách, báo nhằm hiểu biết thêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, áp dụng cải tiến khoa học - kỹ thuật nông nghiệp vào đồng ruộng, đặc biệt là các em thiếu nhi, qua sinh hoạt tại phòng đọc sách, báo giúp các em bổ sung kiến thức cho việc học tập.

Tuy nhiên, ở một số địa phương có TV-PĐSBL, nhưng sách, báo nghèo nàn, cũ nát, không có phong trào đọc. Nhiều nơi, phòng đọc sách, báo quanh năm đóng cửa, không có người trông coi, quản lý và tổ chức hoạt động. Tình trạng “đói sách, đói thông tin” vẫn còn diễn ra, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng một trong những nguyên nhân mà ai cũng thấy được là thiếu sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đến văn hóa đọc cho nhân dân. Về nguyên nhân chủ quan, trước hết phải kể đến đội ngũ những người làm công tác văn hóa ở nhiều nơi thiếu năng động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động TV-PĐSBL. Để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào xây dựng TV-PĐSBL. Và phong trào đọc báo ở cơ sở cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, cũng như nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân ở cơ sở. Mặt khác, trong quá trình xây dựng TV-PĐSBL, phải gắn chặt với với việc tổ chức, phát động phong trào đọc. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình phòng đọc sách, báo ở các điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật, tủ sách gia đình, thư viện tư nhân...

TV-PĐSBL là một thiết chế văn hóa được tổ chức để phục vụ xã hội, vì lợi ích xã hội, một trong những mục tiêu của sự nghiệp thư viện là xây dựng một xã hội đọc cho toàn dân. Vì vậy, xã hội hóa hoạt động TV-PĐSBL là một quá trình tất yếu nhằm tạo điều kiện cho các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, các cá nhân được hưởng thụ sách, báo và nhu cầu sử dụng thư viện một cách thuận lợi. Đồng thời cần khuyến khích, kêu gọi đóng góp vật chất (sách, báo, tiền, bàn, ghế, giá tủ...) để phát triển sự nghiệp thư viện theo tinh thần của Pháp lệnh Thư viện và chiến lược phát triển của ngành thư viện Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực