Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại

Thứ ba, 07/04/2020 14:17
(ĐCSVN) – Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn đang tăng trở lại. Đợt xâm nhập mặn này kéo dài từ nay đến khoảng ngày 15/4, đỉnh điểm sẽ vào các ngày 9-13/4. Trong giai đoạn này, các địa phương hạn chế tưới đối với cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.
 TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. (Ảnh: Việt Hùng)
Thông tin trên được TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia cho biết khi trao đổi với phóng viên về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực  Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay.

Phóng viên (PV): Theo dự báo, tình hình hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL năm nay sẽ khốc liệt hơn. Vậy, ông có nhận định gì về vấn đề này?

TS Mai Văn Khiêm: Hiện ở khu vực ĐBSCL xâm nhập mặn đang tăng trở lại. Đợt xâm nhập mặn này kéo dài từ nay đến khoảng ngày 15/4, đỉnh điểm sẽ vào các ngày 9-13/4. Trong giai đoạn này, các địa phương hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với cây trồng, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn; sau thời gian này độ mặn có xu thế giảm dần; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó giảm dần.

Ở khu vực phía Bắc (vùng thượng nguồn sông Mê Công) đang có dấu hiệu chuyển mùa, đã có một số khu vực có mưa. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi thì dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL trong tháng 4/2020 vẫn tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) đang ở mức rất thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Do đó, cần đề phòng trường hợp cực đoan hạn hán, xâm xâm nhập mặn có thể kéo dài hơn.

Thời gian tới, khu vực hạn mặn đáng lưu ý là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên. Hiên nay, lượng nước ở hầu hết các hồ và trên các hệ thống sông đều thiếu hụt so với bình thường, từ 20 đến 70%. Dự báo trong những tháng tiếp theo, lượng mưa không đáng kể. Vì vậy cảnh cao nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước trong các tháng tới đây, có thể gay gắt hơn năm 2019, đặc  biệt các tỉnh ven biển Trung Bộ.

PV: Thời điểm này, Tổng cục KTTV đã phối hợp với các ban, ngành khác như thế nào để thông tin dự báo, cảnh báo và công tác triển khai phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn đạt hiệu quả, thưa ông?

TS Mai Văn Khiêm: Ngay từ 7, 8/2019, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong BộTài nguyên và Môi trường như: Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu, Cục quản lý Tài nguyên nước; cùng các chuyên gia trao đổi, phân tích, đánh giá và có các báo cáo kịp thời gửi lãnh đạo Bô, Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương; cùng với đó phát tin cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn.

Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Tổng cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi… để bàn bạc về giải pháp và truyền tải các thông tin về tình hình xâm nhập mặn cũng như dự báo tình hình tiếp theo đến người dân và các cấp chính quyền.

PV: Xin ông cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn có phải là thiên tai khó dự báo trong số các loại hình thiên tai? Tổng cục KTTV có gặp khó khăn gì  trong công tác dự báo, cảnh báo hiện nay?

TS Mai Văn Khiêm: Có thể nói, mặc dù tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai tốt công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiệt hại cho hạn mặn mùa khô năm nay đã được giảm thiểu.

Trong lĩnh vực KTTV, tất cả các loại hình thiên tai đều rất khó dự báo bởi lẽ các loại thiên tai đều mang tính ngẫu nhiên không có một quy luật nào cả. Tuy nhiên, với mỗi loại thiên tai lại có những diễn biến khác nhau; chẳng hạn như hạn hán thì thường diễn ra chậm, kéo dài; xâm nhập mặn thì diễn ra theo từng đợt có tính chu kỳ và thường không diễn ra bất ngờ như lũ quét, sạt lở đất mà có những chuyển biến dần, thời gian kéo dài.

Mặt khác, vấn đề khó nữa là nhu cầu của xã hội rất cao, chúng ta cần đưa ra các dự báo tình trạng hạn mặn sớm trước nhiều tháng để phục vụ công tác điều chỉnh quy hoạch mùa vụ và chuẩn bị công tác ứng phó. Tuy nhiên, công nghệ dự báo tốt nhất hiện nay là ở quy mô hạn ngắn, dự báo càng xa thì độchính xác càng kém. Đối với dự báo tháng, mùa và năm hiện nay chủ yếu thế giới chỉ cung cấp thông tin dưới dạng xu thế so với giá trị trung bình nhiều năm, ít có dự báo định lượng.

Hiện chúng tôi đã có công cụ hỗ trợ dự báo viên thu thập số liệu từ các nước vùng thượng nguồn sông Mê Công (Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia) thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế và công cụ hỗ trong dự báo xâm nhập mặn. Các bản tin đã được cải tiến theo hướng chi tiết hơn, cụ thể hơn tới từng vị trí, bảng biểu, hình ảnh trực quan, miêu tả cả tác động của thiên tai khi xảy ra đến các khu vực.

Ngoài bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh còn có các bản tin chi tiết đến cấp huyện, xã gửi cho các tỉnh mà Đài đóng trên bàn.

Tuy nhiên, cũng còn có những khó khăn do số liệu các trạm vùng thượng nguồn còn rất hạn chế, trong mùa khô chỉ nhận được 1 lần/tuần; đặc biệt là thông tin về vận hành các hồ chứa là hầu như không có. Trong khi đó, mạng lưới trạm đo mặn so với mạng lưới trạm KTTV hiên nay còn thưa; công nghệ dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn còn có hạn chế nhất định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực