Những tấm gương nông dân học và làm theo Bác

Thứ năm, 15/08/2019 08:56
(ĐCSVN) - Ở Bình Định, phong trào học và làm theo Bác diễn ra sâu rộng, được rất nhiều nông dân hưởng ứng. Chính họ, những con người bình dị mà chân thành, đã góp phần không nhỏ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Những người nông dân bình dị

Đến xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), người ta thường nhắc đến ông Phan Đình Thơ ở xóm 4, thôn Phú Thọ - người đã hiến 250 m2  đất 2 vụ lúa để làm con đường đường trục chính nội đồng có chiều dài khoảng 1.500 m, rộng 5 m cho nông dân vận chuyển nông sản, hàng hóa. Do xã làm con đường rộng 5m, dài 1500m thuận tiện cho người dân đi lại, con đường đi qua đám ruộng nhà ông đang canh tác (500 m2). “Với ý nghĩa thiết thực cần có của con đường mới rộng rãi nên gia đình tôi rất ủng hộ và sẵn sàng hiến ½ diện tích đất ruộng theo nhu cầu của công trình, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Những con đường nội đồng sạch đẹp được xây dựng bằng công,
của và sự giúp sức của nông dân Bình Định. Ảnh: Mai Linh

Hay như con đường bê tông nội tuyến dài 600m, rộng 5m tại xã Tây An (huyện Tây Sơn), đã có 20 nông hộ của xóm 1 và xóm 2, thôn Mỹ Đức đã vận động cùng nhau hiến tổng số 2.000 m2 đất ruộng lúa gia đình để chính quyền thi công công trình. Gia đình hiến ít nhất từ 5 – 7 m2 đất, gia đình nhiều nhất lên tới vài trăm m2 đất.

Đối với cựu chiến binh Võ Thanh Triên ở thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), mặc dù tỷ lệ mất sức lao động lên đến 81%, ông vẫn miệt mài hiến sức xây dựng kinh tế. Sau 8 năm trăn trở với nghề, đến nay gia đình ông có 14 hồ tôm cho thu nhập mỗi năm từ 2-5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, cùng hàng trăm lao động thời vụ, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Ngoài ra ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ vốn, công nghệ cho những người trong vùng. “Hiện vùng nuôi xung quanh tôi có 18 hộ cùng nuôi, thường xuyên sinh hoạt gần gũi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, làm ăn có lãi. Đối với một số hộ nuôi khó khăn về kinh tế, tôi cũng sẵn sàng cho mượn không lấy lãi để họ có điều kiện đầu tư nâng cấp hồ tôm, mua con giống,… với tổng số tiền cho mượn đến nay trên 470 triệu đồng”.

Gia đình ông cũng tích cực tham gia đóng góp cho xã hội hàng trăm triệu đồng làm đường bê tông, sửa sang nghĩa trang liệt sỹ, hỗ trợ quỹ khuyến học. Đặc biệt, ông còn cho các đồng đội, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn vay mượn từ 20 triệu đến 50 triệu đồng để xây dựng, tu sửa nhà cửa, làm ăn,...

Chính những việc làm cao cả, những tấm gương nông dân đã dấy lên một phong trào làm kinh tế giỏi, giúp đỡ người khác tại Bình Định.

Góp phần lan tỏa Cuộc vận động

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đã xuất hiện nhiều tập thể tích cực trong hành động làm theo Bác. Các phong trào tốt, mô hình hay được nâng cao về chất lượng cũng như tăng về số lượng.

Kết quả huyện Hoài Nhơn, đã vận động nông dân hiến 128.230 m2 đất, 2.893 cây dừa và hàng nghìn cây trồng các loại, đóng góp 25.877 triệu đồng và hơn 14.000 ngày công để nâng cấp, sửa chữa, mở rộng hơn hàng chục km đường giao thông liên xã, đường làng, ngõ xóm, nâng cấp làm mới nhà văn hóa thôn, hàng chục cầu cống và mở rộng bờ vùng, bờ thửa, tạo thuận lợi cho nông dân trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Họ cũng là những người làm nên một môi trường văn hóa với 92,9% hộ đạt gia đình văn hóa; có 129/155 thôn, khối đạt chuẩn văn hóa, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Còn ở huyện Vĩnh Thạnh, bằng những việc làm thiết thực có hiệu quả, có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi như: Ông Trịnh Xuân Lời- hội viên nông dân thôn Tiên An (Vĩnh Hòa) phát triển mô hình kinh tế tổng hợp hằng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng; ông Đỗ Cộ- hội viên nông dân thôn Định Quang (Vĩnh Quang) với mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ cho thu nhập hằng năm trên 300 triệu đồng; bà Võ Thị Thu-hội viên làng K8 (Vĩnh Sơn) với mô hình trồng cây mắc ca, chanh dây, rau sạch tổng thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng.

Cựu chiến binh Võ Thanh Triên trên vuông tôm của gia đình. Ảnh: hoinongdanbinhdinh.org.vn

Còn với nông dân xã An Tân (huyện An Lão), đã triển khai sâu rộng nhiều việc làm phong phú, thiết thực, tạo sức lan tỏa rộng lớn, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên nông dân về việc học và làm theo Bác. Thực hiện lời dạy của Bác “Nói đi đôi với làm”, phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng luôn được Hội xác định là một nhiệm vụ xuyên suốt. Trong đó, trọng tâm là tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tiếp cận, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tích cực mở rộng áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đưa các giống có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình liên kết trồng rau sạch an toàn ở thôn Tân Lập; Mô hình liên kết chăn nuôi bò lai sinh sản ở thôn Thuận An; Mô hình trồng nấm bào ngư xám của nông dân Lê Văn Ảnh, thôn Tân An; Mô hình nuôi heo với quy mô trên 100 con của hộ Nguyễn Hữu Chương thôn Thanh Sơn;...

Trở thành một phong trào sâu rộng

Ông Đặng Hoài Tân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các hội viên Hội Nông dân tỉnh đã đóng góp được 91.376 triệu đồng, hiến 285.642 m2 đất, trên 53.400 ngày công; tu bổ và sửa chữa 1.463 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 21.875 km kênh mương nội đồng,... Nhiều cơ sở Hội đã có cách làm sáng tạo, khiến các phong trào phát triển rộng khắp, có chất lượng. Các phong trào tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực như: xây dựng trên 3.000 bể thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật nguy hại đồng ruộng; xây dựng mô hình quản lý thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đồng ruộng theo quy cách mới; xây dựng 4 mô hình xử lý mùi hôi bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB cho hộ chăn nuôi…

Ngoài ra, nông dân của tỉnh cũng tham gia tích cực quỹ “Hạt thóc vàng” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động với tổng số tiền 100.931.000 đồng; đóng góp 105 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 3 nhà ở cho hội viên nông dân nghèo; các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã hỗ trợ, giúp đỡ 3.564 hộ nông dân nghèo, khó khăn về giống, vốn, vật tư nông nghiệp với tổng số tiền trị giá 5.345 triệu đồng.

Ông Tân cũng cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, là bạn đồng hành của nông dân; khuyến khích nông dân là đảng viên là những tấm gương trong sản xuất, trong đời sống và sinh hoạt cộng đồng, từ đó tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân học và làm theo, để việc học và làm theo Bác lan tỏa trong toàn xã hội./.

Huy Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực