Nữ công nhân biến rác thải thành những sản phẩm hữu ích

Thứ sáu, 20/10/2017 17:00
(ĐCSVN) – Từ những nguyên liệu tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi, một người công nhân ở Đà Nẵng đã biến thành những sản phẩm hữu ích thân thiện với môi trường rồi tạo việc làm cho rất nhiều lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Là công nhân nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn không cản được chị Trịnh Thị Hồng tình nguyện dành thời gian tham gia công tác Hội. Được chị em phụ nữ tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ phường Hòa Phú 5, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, năm 2012, một bước ngoặt trong cuộc đời đã đến với chị Hồng khi chị được đại diện cho phụ nữ TP tham dự Hội nghị của Hiệp hội cộng đồng nghèo đô thị khu vực châu Á tại Philippin.

Chị Trịnh Thị Hồng phấn khởi giới thiệu những sản phẩm sáng tạo, thân thiện với môi trường do chính mình làm ra - Ảnh: Minh Châu

Được giao lưu, học hỏi với bạn bè trong khu vực nhưng điều để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong chuyến ra nước ngoài lần này đó là những ý tưởng giúp ích cho cộng đồng, trong đó có phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường của đoàn Nhật Bản.

Trở về nhà sau chuyến đi, một câu hỏi luôn thường trực trong đầu chị Hồng đó là nước Nhật có nền kinh tế phát triển vậy mà vẫn tận dụng nguồn rác thải thực vật để chế ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường thì tại sao nguồn rác thải hằng ngày xung quanh rất lớn, chị em Việt Nam lại không biết tận dụng để có thể làm được những sản phẩm hữu ích tương tự? Vậy là chị Hồng bắt tay vào nghiên cứu để có thể áp dụng mô hình theo hướng chế ra những sản phẩm như nước rửa chén, nước lau nhà… từ rác!

“Rác thải từ rau, củ, quả, hoa… để ráo nước rồi cho vào thùng nhựa cùng 3 gram đường hòa tan với 10 lít nước, đậy kín để ở nơi khô thoáng, sau 30 ngày lọc bỏ phần rác sẽ thu được dung dịch thô màu vàng. Qua quá trình lọc, chiết nhiều lần thì sẽ ra được 2 lít thành phẩm rồi đem trộn với chất hữu cơ chiết xuất từ dừa nhằm tạo độ sánh, bọt và mùi thơm”, chị Hồng kể về quy trình biến rác thành những chế phẩm có ích.

Thế nhưng để kể được thuần thục như ngày hôm nay là không biết bao nhiêu ngày, tháng gian nan, bắt tay vào làm rồi lại thất bại của người phụ nữ bé nhỏ. Thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật nhưng chị Hồng lại thừa tự tin rằng nếu thực hiện đúng quy trình, đúng công thức sẽ có được sản phẩm như ý muốn, không độc hại và hơn hết là tận dụng được nguyên liệu đầu vào mà nhiều gia đình chỉ muốn bỏ đi.

“Số tiền bỏ ra lúc đó đã lên tới 200 triệu đồng mà vẫn chưa đi đến đâu. Trong gia đình chả ai ủng hộ, chồng tôi bảo đó là việc làm điên rồ còn ngoài xã hội nhiều người nghi ngại một công nhân như tôi sao có thể làm được những việc đòi hỏi phải có trình độ như giáo sư, tiến sỹ. Hơn nữa, nước rửa chén, nước lau nhà lại còn làm từ… rác, họ lại càng cảm thấy lạ kỳ. Kiên trì suốt hơn 2 tháng trời tự học hỏi, điều chỉnh công thức, cuối cùng tôi cũng có câu trả lời cho mọi người là việc tôi làm hoàn toàn thực tế, không có gì là khó hiểu cả”, chị Hồng nhớ lại.

Lúc đầu, chị mời các bà nội trợ dùng thử rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, họ tự đánh giá chất lượng sản phẩm không bị ăn tay mà chén bát, sàn nhà vẫn sạch sẽ, mùi thơm nhẹ nhàng không đặc mùi hương liệu từ các chất hóa học… nên sản phẩm bán ra ngày một nhiều. Một mình làm không đủ, chị Hồng bắt đầu tuyển thêm nhiều chị em là những người lao động nghèo, không có việc làm ổn định giúp sức.

Vậy là từ một ý tưởng nhen nhóm lúc ban đầu, những sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường của chị Hồng đã được không chỉ người dân TP Đà Nẵng mà còn bạn bè quốc tế biết đến. “Năm 2014, tôi được cử tham dự Hội nghị quốc tế về môi trường và phát triển thích ứng dựa vào cộng đồng tổ chức tại Nepal. Trong số 450 đại biểu đến từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, có rất nhiều người có trình độ cao, là nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành, chỉ mình tôi là không bằng cấp. Thế nhưng tôi vẫn tự tin giới thiệu trước hội nghị về những việc tôi làm và nhận được sự đánh giá cao của rất nhiều đại biểu”, chị Hồng nói.

Sang năm 2015, ý tưởng của chị Hồng đã được lựa chọn là một trong 8 dự án được “ươm” tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Chị Hồng không còn “đơn thương độc mã” nữa mà giờ đây lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hỗ trợ cho chị kinh phí kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu để rồi đến tháng 7/2016, Công ty Minh Hồng đã chính thức ra đời.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, những năm gần đây, công việc mà chị Trịnh Thị Hồng theo đuổi là tập huấn, chuyển giao cách làm cho phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn TP. “Tôi vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, có được như ngày hôm nay là sự cưu mang, đùm bọc của những nhà hảo tâm vì vậy, tôi sẽ gắng hết sức để giúp những phụ nữ thiếu may mắn”.

Hiện hằng tháng, mỗi chị em cung cấp khoảng 2.000 lít chế phẩm sẽ được Công ty Minh Hồng bao tiêu với giá 3.000 đồng/lít. Mô hình này hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng, thậm chí có trường hợp thu nhập cả chục triệu đồng.

Được nhiều tổ chức nước ngoài từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Thái Lan… đến tìm hiểu, đánh giá cao, sản phẩm sáng tạo của chị Trịnh Thị Hồng cũng là một trong 23 sản phẩm sáng tạo tiêu biểu vừa được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực