Kiểm tra việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô

Thứ ba, 07/05/2019 21:46
(ĐCSVN) - Ngày 7/5, các đoàn kiểm tra của BTV Thành ủy Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao quyết định về công tác cán bộ

Văn hóa thực thi pháp luật phải đi kèm với vận động, tuyên truyền, làm gương, xử phạt


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi kiểm tra tại Sở Tài chính.

Chiều 7/5, sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu và thành viên đoàn kiểm tra, kết luận buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, các nhiệm vụ chuyên môn của Sở Tài chính nói chung cũng như những nhiệm vụ được giao tại Chương trình số 03-Ctr/TU được Sở thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo, có nhiều đổi mới. Nổi bật là Sở Tài chính đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho thành phố trong việc thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, giữ vững cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đã đề ra; công tác quản lý tài sản công đã được tích cực triển khai thực hiện, nhưng việc huy động các nguồn vốn từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước vào đầu tư phát triển chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.

Do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, Sở Tài chính tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Cần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong từng khâu, từng bước công việc; nghiên cứu chuẩn hóa dữ liệu; thực hiện công khai ngân sách theo hướng để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp để phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, trong đó chú trọng các nguồn thu mang tính bền vững, phát huy nội lực của thành phố như tăng thu nội địa, tăng thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh. Sở tiếp tục tham mưu cơ cấu lại các khoản chi ngân sách thành phố theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư; giảm dần chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập. Đồng thời, Sở cần tham mưu xây dựng trình thành phố các cơ chế trong lĩnh vực tài chính ngân sách nhằm hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn, định mức, đơn giá theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí làm cơ sở để thực hiện đặt hàng, đấu thầu các dịch vụ công; chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đầu thầu; từ giao dự toán sang đặt hàng. Mặt khác phải thực hiện việc sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch được duyệt, không làm thất thoát tài sản nhà nước. Đặc biệt là rà soát lại các chỉ tiêu khó để tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.

Theo báo cáo của Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải, thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy Sở Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu về điều hành ngân sách; từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Trong bối cảnh chỉ tiêu thu ngân sách trung ương giao cho thành phố tăng, song tổng thu ngân sách Hà Nội luôn hoàn thành kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 5,3%, năm 2017 là 3,8%, dự kiến năm 2018 là 2,5%). Tỷ trọng thu nội địa cũng tăng từ 89,5% tổng thu ngân sách nhà nước 2016 lên 91,6% năm 2018. Trong 3 năm từ 2016 đến 2018, Hà Nội đã tiết giảm chi thường xuyên 9.216 tỷ đồng để dành nguồn bố trí cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, Sở Tài chính đã tham mưu, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; nghiên cứu đấu giá các cơ sở, khu đất công sử dụng không hiệu quả; đề xuất đổi mới cơ chế xác định giá thu hồi đất để sát với giá thị trường đối với các dự án giao đất không qua đấu giá; thực hiện các giải pháp sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi kiểm tra
tại Quận ủy Bắc Từ Liêm.

* Kết luận buổi kiểm tra với Quận ủy Bắc Từ Liêm sáng 7/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương Ban Thường vụ Quận ủy Bắc Từ Liêm đã chủ động, triển khai bài bản, đồng bộ Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, quận Bắc Từ Liêm đã cụ thể hóa Chương trình bằng Chương trình số 02-CTr/QU của Quận ủy với 4 nhóm chỉ tiêu, 8 nhiệm vụ giải pháp; UBND quận cũng cụ thể bằng Kế hoạch số 37/KH-UBND... Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, quận rà soát, phân tích những hạn chế và chỉ ra nguyên nhân để tìm cách khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, quận cần rà soát toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy đề ra.

Với những nhiệm vụ còn chưa hoàn thành, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý lãnh đạo quận cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp với quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu chương trình đã đề ra. Trong đó, quận cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Quản lý tốt quy hoạch; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương, thành phố và quận; khuyến khích, động viên, hỗ trợ thành lập mới các doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, giải quyết việc làm. Cùng với đó, quận Bắc Từ Liêm phải rà soát đất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; tạo môi trường để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

Theo báo cáo của Quận ủy Bắc Từ Liêm, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, quận tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương, kinh tế ngành. Quận còn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững... Nhờ vậy, kinh tế của quận phát triển nhanh, ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; giảm tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi kiểm tra Huyện ủy Mê Linh.


* Kết luận buổi kiểm tra với Huyện ủy Mê Linh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đánh giá, Mê Linh là địa phương có nhiều thuận lợi về văn hóa, về con người và địa lý, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai khá bài bản, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm và đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cũng nhận định, so với yêu cầu chung và tiềm năng khả năng vốn có, tốc độ phát triển của Mê Linh vẫn còn chậm, độ năng động chưa tương xứng với yêu cầu.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn yêu cầu huyện cần có giải pháp quyết tâm cao hơn, tập trung cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp yên tâm, gắn bó với địa phương. Trong phát triển nông nghiệp, huyện cần lưu ý gắn kết "4 nhà" nhà nông, nhà quản lý, nhà nước, nông dân, trong đó phải nhấn mạnh vai trò quản lý nông nghiệp, giải quyết khó khăn ngay từ đầu để phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Trong phát triển dịch vụ sản xuất, huyện cần lưu ý vấn đề môi trường, cảnh quan nhất là khu vực khu công nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính.… Cùng với đó, huyện cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tập trung cải cách hành chính, đào tạo nghề… nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Báo cáo của Huyện ủy Mê Linh cho thấy, việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học với ý thức trách nhiệm cao. Cùng với việc đạt mức tăng trưởng khá (bình quân 7,5%/năm), 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của huyện Mê Linh đã đạt và vượt kế hoạch. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,2 triệu đồng/năm (tăng 21,1% so đầu nhiệm kỳ). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 1,41%..../.

 

 

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực