Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải thực chất, công khai, minh bạch

Thứ năm, 26/10/2017 21:49
(ĐCSVN) – Chiều 26/10, tại Tuyên Quang, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017 cụm các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra việc thực hiện quy chế  dân chủ ở cơ sở
cụm các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở dự và chủ trì Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị còn có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang; Trần Bích Thuỷ, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những nội dung cơ bản trong chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế dân chủ; các cấp ủy đảng, chính quyền trong triển việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các ý kiến tại hội nghị đánh giá cao các Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời bổ sung, kiện toàn Ban chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp với tình hình hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý, các tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Trung ương gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, những bức xúc của nhân dân.

Các đại biểu cho rằng hoạt động của một số Ban chỉ đạo còn hạn chế, thiếu tính chủ động.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan, đơn vị duy trì, chỉ đạo giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định. Công khai số điện thoại đường dây nóng, lịch tiếp công dân, tổ chức đối thoại giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức được nhiều đơn vị thực hiện tốt.

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, giúp giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân, nhất là các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, lao động việc làm, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, hải quan, thuế xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới được các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, góp phần đưa các xã sớm hoàn thành các tiêu chí (Bắc Giang có 50/203 xã; Tuyên Quang có 16 xã (tăng 06 xã so với năm 2015); Phú Thọ có 40 xã (chiếm 16,2% tổng số xã) và 01 huyện; Thái Nguyên có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới...).

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng hoạt động của một số Ban chỉ đạo còn hạn chế, thiếu tính chủ động trong tham mưu giúp cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động còn hình thức, không xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Ban chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; nhiều địa phương, đơn vị chưa xây dựng được các mô hình, điển hình tiên tiến thật sự tiêu biểu để nhân rộng. Việc công khai các chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số nơi còn chưa đầy đủ, rõ ràng, kịp thời; vai trò của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi còn hình thức.

Tại hội nghị, nhấn mạnh đến việc làm tốt hơn nữa trong công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phải đề cao tính minh bạch trong thực hiện các công việc, phải thực chất và đi liền với đó là tăng cường công tác đối thoại để không chỉ giải quyết các vụ việc mà qua đó để tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, để người dân hiểu rõ cùng thống nhất thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền đồng lòng quyết tâm xây dựng lòng tin cho nhân dân thì mọi khó khăn, thử thách sẽ vượt qua, trong đó là việc phối hợp nhịp nhàng giữa các đoàn thể chính trị xã hội với chính quyền cơ sở dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng, đặc biệt là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và thực hiện việc khen thưởng và kỷ luật rõ ràng…

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu và những người làm việc trực tiếp với người dân hiểu rõ hơn về dân chủ ở cơ sở; cần thể chế hóa, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những tiêu chí cụ thể về dân chủ ở cơ sở; tăng thêm tính công khai minh bạch trong các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, tăng cường tính công khai minh bạch theo Quyết định của Ban Bí thư về Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Trong đó, công khai, minh bạch những kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân… Những nội dung này cần được công khai để nhân dân biết.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu tiếp tục xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư, tăng cường sự tham gia của người dân với các hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị xã hội; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, bởi đó là cơ chế quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền. Đồng thời, thực hiện quy chế dân chủ phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gắn với công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực