Đổi mới hoạt động Công đoàn phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế

Chủ nhật, 28/07/2019 09:46
(ĐCSVN) - Trải qua gần một thế kỷ xây dựng và phát triển với những trang sử vẻ vang đáng tự hào, Công đoàn Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn liền với những chặng đường vẻ vang của dân tộc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong các nhiệm kỳ đại hội của mình, Đảng ta đều có những chủ trương, giải pháp lớn xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Đặc biệt, cách đây hơn 10 năm, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 20/NQ- TW ngày 20/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Nghị quyết khẳng định, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ là cơ hội để thực hiện tốt những giá trị tiến bộ cho người lao động, góp phần tăng cường lòng tin của người lao động vào Đảng, Nhà nước, là cơ sở để ổn định chính trị - xã hội.


Đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam - Ảnh: Minh Châu

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những điều kiện phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt Công đoàn Việt Nam trước những thách thức, khó khăn cần vượt qua.

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, đó là thách thức, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động do thực tế việc thực thi các quyền và lợi ích của người lao động tại nhiều doanh nghiệp không như kỳ vọng; là thách thức đổi mới tư duy hướng đến tính thiết thực trong hoạt động của tổ chức Công đoàn là thực hiện đầy đủ chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; là khó khăn trong việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; rồi tiềm lực tài chính phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn Việt Nam; tính đồng bộ trong đổi mới mô hình tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Công đoàn Việt Nam cũng đang đứng trước những áp lực lớn bởi hiện tại, người lao động có quyền tự nguyện tham gia (hoặc không tham gia) vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong tương lai, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện. Đây là một thay đổi quan trọng đối với người lao động.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ công đoàn chưa chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn hạn chế; thiếu hụt đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn hoạt động công đoàn ngoài khu vực nhà nước, phần lớn cán bộ làm việc như cán bộ hành chính, công tác đào tạo bồi dưỡng nặng về bằng cấp, chế độ trách nhiệm trong công việc chưa thực sự cụ thể… Mặt khác, cán bộ công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, lại thường xuyên biến động, kiến thức về chính sách, pháp luật và kỹ năng hoạt động công đoàn còn hạn chế, nhiều cán bộ chưa tâm huyết với hoạt động công đoàn, chưa thực sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; khả năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng, đối thoại còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong bối cảnh mới đòi hỏi Công đoàn và hoạt động công đoàn phải đổi mới tư duy. Công đoàn là một đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị nước ta, nhưng đó là đoàn thể có nhiều đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, về thu - chi tài chính, về tham gia các quan hệ pháp luật, về tính quốc tế và tính pháp lý rộng rãi. Hoạt động công đoàn là hoạt động đoàn thể nhưng nội dung chủ yếu do pháp luật quy định, yêu cầu cao về tính thiết thực, hiệu quả hoạt động phụ thuộc vào nhiều chủ thể.


Công nhân Thủ đô tham gia Hội thi công nhân cơ khí giỏi - Ảnh: Minh Châu

Hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của người lao động, bảo vệ được người lao động trong quan hệ lao động, mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ.

Đồng thời, tập trung nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. “Đây là yếu tố có tính chất sống còn, quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhấn mạnh.

 

Theo đó, công đoàn các cấp cần tham mưu với cấp ủy về đổi mới công tác quản lý cán bộ công đoàn, sự phối hợp giữa cấp ủy và công đoàn cấp trên trong lãnh đạo công tác cán bộ công đoàn. Nâng cao chất lượng các khâu trong công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng. Đổi mới căn bản nội dung và phương thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, tập trung đào tạo theo chức danh, nhiệm vụ; nội dung phải sát hợp, hiện đại, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế... Đặc biệt coi trọng các phẩm chất hàng đầu của cán bộ công đoàn: bản lĩnh, chuyên nghiệp, tâm huyết, gắn bó với cơ sở, gần gũi với công nhân lao động và yêu nghề.

Trước những yêu cầu mới, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cũng cần đổi mới mạnh mẽ căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của số đông người lao động. Với công đoàn khu vực hành chính, sự nghiệp, tập trung nâng cao trình độ đội ngũ, ý thức công vụ, phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đoàn kết, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho đoàn viên. Với công đoàn các doanh nghiệp, tập trung cho công tác thương lượng, đối thoại, mang lại phúc lợi và lợi ích thiết thực cho người lao động, phát động các phong trào nâng cao năng suất, lao động sáng tạo, bảo vệ người lao động khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động và đình công. Cần đổi mới quan hệ giữa cán bộ công đoàn và đoàn viên theo hướng đoàn viên là người được chăm lo, phục vụ, cán bộ công đoàn có sứ mệnh chăm lo, phục vụ đoàn viên. Công đoàn cấp trên phục vụ, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của công đoàn cấp dưới.


Công đoàn sẽ có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ người lao động về việc làm trong bối cảnh tác động

của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Ảnh: Minh Châu

 

Trong bối cảnh mới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở phải được các cấp công đoàn coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Cùng với việc rà soát, đánh giá tình hình doanh nghiệp, CNVCLĐ trên địa bàn, cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo ở công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển đoàn viên, thành cập công đoàn cơ sở. Báo cáo với cấp ủy cùng cấp, đề xuất các giải pháp trong phối hợp với chính quyền. Tập trung trước hết cho các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, có nhu cầu chăm lo, bảo vệ quyền lợi, những doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động thiện chí với công đoàn. Song song với việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, cần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, tập trung cho công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật để thích ứng với tình hình mới. Trước hết đầu tư nghiên cứu các chế định pháp luật lao động, công đoàn có liên quan, nghiên cứu các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, chỉ rõ những yêu cầu mới, những vấn đề cần điều chỉnh, phục vụ việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn, đồng thời xây dựng kế hoạch, chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm ứng phó với những nội dung phát sinh khi Việt Nam triển khai các nội dung của CPTPP và EVFTA có liên quan đến người lao động và Công đoàn, đặc biệt là việc người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn hiện nay. Công đoàn cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ và những đề xuất xác đáng trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ người lao động về việc làm trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ công tác tài chính công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả để tăng cường, phát huy các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực