Nhân lên những mô hình “Dân vận khéo”

Thứ hai, 23/09/2019 20:00
(ĐCSVN) - Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp, các ngành trong tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai thực hiện và đạt những kết quả thiết thực. Hiện toàn tỉnh xây dựng được 3.226 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực

Việc vận động người dân chuyển đổi diện tích ngô không năng suất sang trồng chè chất lượng cao
tại Tân Uyên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Tường Vy

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Bích Vân, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: Trong những năm qua, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận, nhất là triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với trách nhiệm quản lý Nhà nước, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền trong tỉnh; hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh phát động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thi đua thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền và đăng ký mô hình “Chính quyền dân vận khéo”.

Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng mô hình “dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phong trào “Dân vận khéo” đã đi vào đời sống xã hội, tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, đồng chí Đào Bích Vân khẳng định. Đồng thời cho biết phong trào đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Xác định rõ, Lai Châu là tỉnh biên giới, đa thành phần dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vì vậy việc tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giải quyết những vấn đề còn khó khăn, bức xúc trong nhân dân. Trong đó quan tâm đặc biệt đến việc vận động trực tiếp, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, xây dựng các mô hình điểm cho bà con xem trực tiếp. Các tổ chức chính trị xã hội, bộ đội biên phòng là những đơn vị tích cực trong việc triển khai, thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” tại địa phương, đơn vị. Từ thực tế triển khai trong nhiều năm qua cho thấy đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển kinh tế chuyên canh, trang trại, hợp tác xã… hiện tỉnh Lai Châu có 250 hợp tác xã, trong đó có 8 hợp tác xã nông nghiệp được các huyện lựa chọn xây dựng mô hình hợp tác xã điểm; 6 trang trại được cấp chứng nhận thu hút nhiều lao động; 05 làng nghề được UBND tỉnh công nhận…

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khéo vận động nhân dân sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả để phát triển kinh tế, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đó là Khối Dân vận xã Bản Bo, huyện Tam Đường với mô hình “Khéo trong vận động làm đường giao thông nông thôn, chuyển đổi trồng cây chè chất lượng cao”; bản Chạm Cả, thị trấn Tân Uyên thực hiện mô hình “Vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, thi đua làm giàu chính đáng; phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh “Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo; ông Nguyễn Văn Nhuận, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Đường “vận động nhân dân thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích đất đai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”; ông Trần Đình Nho, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tam Đường với mô hình “Trông ngô xuân sớm trên diện tích lúa một vụ”…

Bên cạnh đó, phong trào “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội; lĩnh vực quốc phòng an ninh và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị cũng được cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần, trách nhiệm trong tham gia nghĩa vụ quân sự; khéo vận động nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu…

“Dân vận khéo” là trách nhiệm của hệ thống chính trị

Đồng chí Đào Bích Vân, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu nhấn mạnh, từ thực tế triển khai, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực sự đạt hiệu quả, trước hết các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội phải nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua “Dân vận khéo”; coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, huy động được nhiều nguồn lực, lực lượng tham gia thực hiện phong trào để có hiệu quả cao, sức lan tỏa mạnh mẽ.

Lai Châu đã phát huy vai trò của các bí thư chi bộ, người uy tín tại làng, bản, khu dân cư
trong công tác vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Tường Vy

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp triển khai; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, xuất phát từ các lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Mặt khác, việc xây dựng mô hình “Dận vận khéo” phải có tiêu chí đánh giá cụ thể, có chương trình, kế hoạch thực hiện đồng bộ, với phương châm khéo chọn việc, khéo tuyên truyền, khéo tổ chức thực hiện; chỉ đạo nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng và nhân rộng những điển hình mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương. Duy trì, phát huy vai trò hoạt động của tổ dân vận, các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, tổ dân phố để thu hút ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện phong trào.

Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác dân vận.

Song song với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn./.

Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực