Bản Lướt trù phú

Thứ ba, 05/01/2010 10:53

Mỗi lần nhắc đến địa danh bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, bà con các dân tộc tỉnh Lai Châu đều cảm thấy tự hào, bởi nơi đây tròn 60 năm về trước là cái nôi khai sinh và nuôi dưỡng Chi bộ Ðảng đầu tiên, tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Lai Châu bây giờ. Phát huy sức mạnh nội lực, truyền thống cách mạng, bản Lướt đang thay đổi từng ngày.

Về bản Lướt trong những ngày này, điều dễ nhận thấy là miền quê cách mạng năm xưa giờ đây là bản làng thanh bình, trù phú. Ngay cạnh quốc lộ 32, cách trung tâm huyện Than Uyên khoảng 5 km, cổng vào bản Lướt được xây kiên cố, bên trên có dòng chữ đỏ ghi trang trọng "Thôn bản Lướt - xã Mường Kim - huyện Than Uyên - Nơi thành lập Ban cán sự, chi bộ đảng đầu tiên, Ðảng bộ tỉnh Lai Châu". Hai bên đường dẫn vào bản là những thửa ruộng bậc thang, lúa đương thì con gái lên xanh mơn mởn, như báo hiệu một vụ mùa bội thu. Giữa bản là nhà văn hóa kiên cố khang trang được thiết kế theo kiểu nhà sàn. Bản Lướt với hơn một trăm mái nhà sàn đã được ngói hóa thấp thoáng hiện ra dưới những lùm cây xanh mát.

Bí thư Ðảng ủy xã Mường Kim Hoàng Văn Sam cho biết, Chi bộ bản Lướt hiện có năm đảng viên, năm nào cũng đạt trong sạch vững mạnh. Không có gia đình đảng viên nào thuộc diện đói nghèo. Mỗi đảng viên đều được phân công giúp đỡ hơn 30 hộ gia đình trong bản chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước. Các hộ gia đình đảng viên tích cực áp dụng các giống cây, giống con mới có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi, trồng. Ðặc biệt 5 năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, bản Lướt đã được đầu tư nhiều. Cùng với sự nỗ lực của bà con trong bản nên bản Lướt luôn dẫn đầu 25 bản trong xã, trong các phong trào thi đua, không có người mắc các tệ nạn xã hội. Mức thu nhập của bà con bản Lướt luôn cao nhất xã, đạt 430 kg lương thực/người/năm.

Hỏi thăm về những nhân chứng trước đây trực tiếp mang lương thực, thực phẩm tiếp tế, nuôi dấu Ban cán sự Ðảng tại bản Lướt ngày xưa như cụ Sậu, cụ Chăm, cụ Xương... chúng tôi chỉ nhận được những ánh mắt, nét mặt nuối tiếc "các cụ ấy mất cả rồi, chỉ còn con cháu thôi". Ông Lù Văn Tú (con trai cụ Xương) năm nay gần 70 tuổi, vừa dẫn chúng tôi men theo lối mòn lên thăm lán trước đây cán bộ cách mạng đặt căn cứ, vừa kể cuối năm 1949, lúc ấy ông khoảng 12 tuổi, ông đã từng nhiều lần cùng cha mang cơm nếp, muối, cá suối đi tiếp tế nuôi cán bộ. Theo bố đi tiếp tế cho cán bộ cách mạng thực ra mãi về sau ông Tú mới nhận ra, vì lúc đó ông còn bé, khi đi bố ông cũng chỉ bảo đi săn con nai, con hoẵng. Lúc bố đưa các đồ ăn cho bộ đội, ông cũng không dám lại gần vì toàn người lạ, lại không biết tiếng. Mỗi lần đi về như thế bố ông chỉ dặn không được kể cho ai biết nếu không giặc Pháp sẽ giết cả nhà.

Ông Tú bảo "hơn một tháng trời, gần như tối nào cũng vậy, khi cả bản yên giấc, tôi lại theo bố mang bảy gói cơm nếp, muối, cá suối, lặng lẽ men theo dòng suối Huổi Hô Ta lên lán tiếp tế cho cán bộ cách mạng". Trước ngày không bao giờ gặp lại các bộ đội nữa, thì có một người đưa lại cho bố một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ và dặn cất cẩn thận. Cụ Xương đem lá cờ ấy bỏ vào một ống tre rồi đến đêm đem chôn dưới đất chờ ngày sử dụng. Ông Tú còn kể, bình thường bà con trong bản đi săn hay đội mũ, quấn khăn trên đầu nhưng hai bố con ông mang cơm đi tiếp tế mặc chiếc áo của dân tộc Thái và không đội gì cả, để làm ám hiệu. Nếu gặp hôm mưa thì lấy lá cây Phúc trùm người làm áo che mưa để đi... Ông Lò Văn Po ở bản Lướt, năm nay đã ngoài 50 tuổi con trai cụ Sậu cũng kể lại: Có một nguồn nước tự nhiên được cụ Sậu bắc chảy từ nơi ban cán sự làm căn cứ chảy về cạnh nhà ông. Khi thấy ám hiệu máng nước ngừng chảy, bố ông mới mang lương thực lên tiếp tế...

Chia tay bản Lướt, cái nôi cách mạng của Ðảng bộ Lai Châu, chúng tôi cứ nhớ mãi nét mặt rạng ngời của ông Tú khi nói: "Nơi đây khác xưa nhiều lắm rồi". Ngày trước bản Lướt chỉ có khoảng hơn chục nóc nhà, sống rải rác cạnh quốc lộ 32 bây giờ. Vị trí bằng phẳng người dân bản tập trung ở ngày nay, trước đây là cả một rừng cây vầu, tre rậm um tùm.... Bây giờ điện đã đến từng nhà, đi lại cũng thuận tiện hơn xưa, nhiều nhà đã mua xe máy. Bà con trong bản đi chợ qua suối cũng đã có cầu kiên cố không phải lội, an toàn mỗi khi mùa lũ về...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực