Cao Bằng: Hướng đến sự hợp lý trong cơ cấu đội ngũ cán bộ

Chủ nhật, 09/08/2020 15:30
(ĐCSVN) - Cao Bằng hiện là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, để xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ hợp lý so với cơ cấu dân số là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, đây là một công việc rất khó, đòi hỏi phải có các giải pháp hợp lý của cả Trung ương và địa phương.

Tỉnh Cao Bằng có 28 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lên tới 94,88%. Trong đó, dân tộc Tày chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 40%, dân tộc Nùng khoảng 30%. Mỗi dân tộc Mông và Dao chiếm khoảng 10% dân số và cùng các dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ được xếp vào diện dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao cho đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô và các dân tộc thiểu số rất ít người khác tại tỉnh Cao Bằng (tháng 7/2020)

Nhóm người Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ có tỷ lệ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh Cao Bằng rất thấp. Theo đồng chí Nông Hoa Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến 31/12/2019, trong khối chính quyền của địa phương có tổng cộng 21.498 cán bộ người dân tộc thiểu số nhưng chỉ có 646 cán bộ thuộc 4 dân tộc nói trên, chiếm 3% tổng số cán bộ. Dân tộc Lô Lô có 4 cán bộ, dân tộc Sán Chỉ có 21 cán bộ, không thể hiện được tỷ lệ % trong tổng số cán bộ. Dân tộc Mông có 214 cán bộ, chiếm 0,99%, dân tộc Dao có 406 cán bộ, chiếm 1,89%.

 Về vấn đề này, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng nhận xét, lực lượng cán bộ trong hệ thống chính trị của Cao Bằng hiện nay chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Mông, Dao không tương xứng với tỷ lệ dân số trong cơ cấu dân số chung của tỉnh. 4 dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ có 111 người tham gia đội ngũ cán bộ cấp sở, ban, ngành của tỉnh; 246 người tham gia đội ngũ cán bộ cấp huyện và 298 người là cán bộ xã. Dân tộc Lô Lô có 01 cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh không có.

 Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng có 55 người thì mỗi dân tộc Mông, Dao cũng chỉ có 01 đại biểu đủ điều kiện tham gia. Đồng chí Lê Hải Yến, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, trong công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh cũng chỉ xây dựng dự kiến số cán bộ như vậy tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

 Để khắc phục tình trạng chênh lệch cán bộ người dân tộc thiểu số so với cơ cấu dân số, ngày 25/9/2017, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về công tác cán bộ Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô và các dân tộc thiểu số ít người khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025.

Tuy nhiên, thực hiện Đề án này của Tỉnh ủy không phải là chuyện dễ. Đơn cử trong công tác tuyển dụng cũng đang có sự vướng mắc. Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT BNV-UBDT giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại Chương II, Điều 4, Điều 6 quy định: “tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo tỷ lệ hợp lý”; “trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào công chức, viên chức”. Với quy định chung chung “đảm bảo tỷ lệ hợp lý” dẫn đến địa phương rất khó xác định thế nào là hợp lý. Vì thế, kết quả tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tùy thuộc vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và chất lượng nguồn tuyển.

 Nói về vướng mắc này, đồng chí Bế Văn Hùng cho rằng, tâm lý chung, vùng nào có đông cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân số trên địa bàn thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Ví dụ như với các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm có đông người dân tộc Mông sinh sống thì cần phải có nhiều cán bộ người Mông trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, một số ngành thiếu cán bộ nhưng không có nguồn để tuyển dụng như bác sĩ chuyên khoa, cử nhân luật, kinh tế, kỹ thuật… trong khi còn một tỷ lệ lớn học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp không có cơ hội dự tuyển do chuyên ngành đào tạo không phù hợp hoặc có tuyển dụng nhưng chỉ tiêu quá ít.

 Cùng quan điểm với đồng chí Bế Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương Lê Trọng Tuấn cho biết, sinh viên hệ dự bị đại học là một nguồn tuyển cán bộ quan trọng của các địa phương vùng dân tộc thiểu số nói chung, Cao Bằng nói riêng. Song, trong 13 khóa gần đây tuyển sinh hệ dự bị đại học, tỉnh Cao Bằng chỉ có 11 học sinh dân tộc Mông, 24 học sinh dân tộc Dao, 01 học sinh dân tộc Sán Chỉ và không có học sinh người dân tộc Lô Lô. Các dân tộc thiểu số có đông người tỷ lệ học sinh nhiều hơn các dân tộc khác là phù hợp nhưng nếu có những dân tộc không có hoặc có rất ít học sinh thì cần phải quan tâm để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

 Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT BNV-UBDT, tỉnh Cao Bằng đang giao cho Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương thực hiện đề tài khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao cho đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô và các dân tộc thiểu số rất ít người khác tại tỉnh Cao Bằng”. Theo đồng chí Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng cho biết, mục tiêu của đề tài nghiên là đánh giá thực trạng nguồn nhân lực 4 dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ và đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn cán bộ đối với các dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm sự chênh lệch giữa các dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn với các dân tộc thiểu số khác.

 Để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019, tại Điều 37 đã cho phép xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học. Quy định mới này đã gỡ khó cho các địa phương vì theo quy định cũ bắt buộc phải thực hiện chế độ thi tuyển. Mà đã thi tuyển, theo ý kiến của đồng chí Nông Hoa Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, rất khó có cơ hội đỗ cho người dân tộc thiểu số do chỉ tiêu ít, tỷ lệ cạnh tranh cao trong khi trình độ của người dân tộc thiểu số thấp hơn người thuộc dân tộc đa số.

 Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Võ Tuyết Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ cho hay, hiện nay, Bộ Nội vụ đang dự thảo xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, trong đó sẽ có những chính sách đặc thù áp dụng cho đối tượng người dân tộc thiểu số như: Cơ quan sử dụng công chức, viên chức xác định chỉ tiêu tuyển dụng tương ứng với vị trí việc làm để tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số; điểm ưu tiên với người dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số rất ít người; xét tuyển đối với người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

 Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng là tỉnh có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng của cả nước. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của địa phương. Vì vậy, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ít người vững về chuyên môn, có đạo đức, trí tuệ, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào là nhiệm vụ cần quan tâm của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng cả trước mắt và lâu dài./.                                                                               

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực