Chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng tại miền Trung - Tây Nguyên

Thứ năm, 19/07/2018 10:29
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp trong Khu vực đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật cơ bản toàn diện theo Quy định của Điều lệ Đảng, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và của ngành.

Đã kiểm tra, giám sát 2.618 tổ chức đảng

Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác kiểm tra, giám sát

Cùng với cả nước, bước vào những tháng đầu năm 2018, cấp ủy và UBKT các cấp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Thông qua công tác này để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo đồng chí Nguyễn Huy Nhiệt, Vụ trưởng Vụ địa phương V (UBKT Trung ương), trên cơ sở bám sát phương hướng, kế hoạch nhiệm vụ của UBKT Trung ương, các cấp ủy và UBKT các tỉnh ủy, thành ủy tại miền Trung - Tây Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng tại địa phương, đơn vị khá toàn diện, theo đúng Quy định của Điều lệ Đảng và yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra; trong đó, đáng chú ý một số kết quả cơ bản như: Đã chủ động xây dựng, ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2018 sát định hướng của Trung ương và yêu cầu của địa phương ở các lĩnh vực mà dư luận và nhân dân quan tâm; lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu rà soát, bổ sung, ban hành các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát theo các Quy định của cấp trên và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác này.

Đặc biệt, cấp ủy, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã quan tâm kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên. Nhờ đó, số lượng tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 7,48% tổ chức đảng và tăng 2,06% đảng viên). Trong kết quả chung này, đáng chú ý như tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra được 395 tổ chức đảng, trở thành đơn vị dẫn đầu khu vực về số lượng tổ chức đảng được kiểm tra. Trong khi đó, Đắk Lắk là địa phương có số lượng đảng viên được kiểm tra nhiều nhất, với 10.193 đảng viên.

Theo đánh giá của đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, cùng với kiểm tra, giám sát, công tác thi hành kỷ luật Đảng
đối với các tổ chức đảng và đảng viên đã được cấp ủy và UBKT các cấp tại miền Trung -Tây Nguyên quan tâm thực hiện tốt.

Cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, theo đồng chí Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, chất lượng giám sát chuyên đề tại các cấp ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên cao hơn cùng kỳ năm trước; tăng 11,94% đối với tổ chức đảng và 14,7% đối với đảng viên. Địa phương dẫn đầu trong giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng là Quảng Nam, với 240 tổ chức đảng được kiểm tra, giám sát; địa phương dẫn đầu trong giám sát chuyên đề với đảng viên là Đắk Lắk, với 686 đảng viên.

Cùng với kiểm tra, giám sát chuyên đề, việc xử lý kỷ luật bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục, đúng lỗi vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, được nhân dân đồng tình. Trong 6 tháng đầu năm, toàn khu vực có 39 tổ chức Đảng bị xem xét, xử lý kỷ luật (cùng kỳ năm trước là 21 tổ chức đảng); trong đó khiển trách là 29, cảnh cáo 9. Đối với đảng viên bị xử lý có 1.116 đảng viên (cùng kỳ năm trước là 1.137).

Về nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới, đồng chí Lê Thị Thủy cho biết, trong 6 tháng qua,  UBKT các cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã quan tâm tiến hành kiểm tra các tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm cao hơn cùng kỳ năm trước (36,9%). Qua kiểm tra, UBKT các cấp đã phát hiện một số tổ chức đảng có vi phạm (tăng 12,36%), trong đó nhiều địa phương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm nhiều tổ chức đảng như: Quảng Nam (44 tổ chức), Quảng Ngãi (14 tổ chức), Thừa Thiên Huế (13 tổ chức)... Bên cạnh kiểm tra tổ chức đảng, một số địa phương cũng kiểm tra nhiều đảng viên có dấu hiệu vi phạm như: Đắk Lắk (155 đảng viên), Quảng Nam (145 đảng viên)…

Theo báo cáo đánh giá của Vụ Địa phương 5 (UBKT Trung ương), trong 6 tháng qua,  cấp ủy, UBKT các cấp trong khu vực cũng đã tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho UBKT cấp dưới và nắm sát tình hình ở cơ sở để tham mưu xử lý kịp thời các vướng mắc; công tác phối hợp giữa UBKT và các cơ quan có nhiều chuyển biến; công tác kiện toàn bộ máy được quan tâm. Nhiều tỉnh, thành đã luân chuyển cán bộ kiểm tra đi cơ sở và kịp thời kiện toàn đủ số lượng ủy viên UBKT, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Chia sẻ thêm những đánh giá này, đồng chí Lê Thị Thủy cho biết, hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực thời gian gần đây đều bố trí cho cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra. Trong 6 tháng đầu năm, toàn khu vực đã có đến 140 cán bộ được đi bồi dưỡng nghiệp vụ. Các địa phương cũng đã rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ và gắn với đào tạo, bồi dưỡng để chủ động nguồn cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với năng lực sở trường, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm với nhiều đề tài có tác dụng thiết thực.

Khó kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với người đứng đầu cấp ủy

Bên canh những kết quả đã đạt được, trong báo cáo đánh giá của Vụ Địa phương V (UBKT Trung ương), vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật tại miền Trung - Tây Nguyên, như: Một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát nên có chiều hướng kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng theo quy định giảm so với cùng kỳ; một số nội dung kiểm tra, giám sát chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, chất lượng chưa cao.

Về phía UBKT các cấp, theo Vụ Địa phương V, cấp ủy và UBKT các cấp tại miền Trung - Tây Nguyên đang gặp khó khăn trong việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu cấp ủy; công tác giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng giảm; việc giám sát kê khai tài sản còn lúng túng; giám sát thường xuyên chưa đạt yêu cầu nên chưa phát huy được tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn. Trong khi đó, một số cấp ủy và UBKT các cấp chưa quan tâm kiểm tra, giám sát kịp thời các lĩnh vực, địa bàn mà dư luận quan tâm; chưa chọn được các vụ việc nổi cộm của địa phương để tham mưu cho cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý. Việc phát hiện tập thể và cá nhân có khuyết điểm, vi phạm ở một số địa phương trong một số lĩnh vực, nhất là trong công tác cán bộ chưa kịp thời; khi phát hiện thì xử lý còn nương nhẹ, chưa tương xứng với vi phạm, khuyết điểm, chưa có tính răn đe.

Công tác phối hợp giữa UBKT và các cơ quan có liên quan trong khu vực chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; một số đơn vị chưa thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo; số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra còn bất cập, chưa đủ số Iượng, một số cán bộ chưa có kinh nghiệm, còn ngại va chạm, thiếu cán bộ có chuyên môn ở một số lĩnh vực….

Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế như đã nêu, theo đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Lê Thị Thủy, nhiệm vụ đầu tiên trong 6 tháng cuối năm của các cấp ủy và UBKT các cấp tại miền Trung - Tây Nguyên là: Cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về tiếp tục tăng cường giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm; tăng cường giám sát từ trên xuống, từ dưới lên, giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo; chủ động quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện sớm, ngăn chặn từ gốc, xử lý ngay từ đầu, không để các vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

 

Tại Hội nghị Giao ban công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2018
các tỉnh ủy, thành ủy miền Trung - Tây Nguyên, diễn ra tại tỉnh Quảng Bình hôm 16/7 vừa qua,
các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm nhằm để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.


Bên cạnh đó, các cấp ủy và UBKT các cấp tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm tra theo kế hoạch đã phê duyệt và các cuộc kiểm tra đột xuất nếu có với chất lượng cao hơn; tránh tình trạng “trên nóng, quyết liệt”, “dưới cầm chừng”; làm sơ sài, hình thức chạy theo số lượng mà không quan tâm đến hiệu quả. Quan tâm các cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên có biểu hiện suy thoái.

Kiểm tra công tác cán bộ (chú trọng những cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có dư luận, đơn thư tố cáo; cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo); khi kiểm tra phát hiện có vi phạm phải xử lý theo quy định.

Tiếp tục quan tâm kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên ở các lĩnh vực nhạy cảm như: Quản lý đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách, giáo dục, y tế, các dự án viện trợ, các nguồn kinh phí khẳc phục hậu quả bão lụt,… để phòng ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân. Thực hiện việc kiểm tra cách một cấp để tránh tình trạng bao che trong nội bộ địa phương, đơn vị. 

Ngoài những nhiệm vụ trên, việc thi hành kỷ luật Đảng cần được các cấp ủy và UBKT các cấp tiến hành thực sự công tâm, khách quan, đúng quy định của Đảng, đúng mức với vi phạm, khuyết điểm; không có ngoại lệ; không “rút kinh nghiệm” chung chung; kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; thực hiện tốt việc tiếp đảng viên và xử lý đơn thư theo quy định; tăng cường rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiếm tra, giám sát.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác kiểm tra đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng gắn với vị trí việc làm; phải xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp có phẩm chất (đạo đức trong sạch, biết gương mẫu, giữ mình); có bản lĩnh (bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ mua chuộc nào); có chuyên môn nghiệp vụ (đa ngành và chuyên sâu); có phương pháp làm việc (khoa học, sâu sát, thận trọng, có văn hóa..) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chắt lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát; động viên khuyến khích kịp thời đối với cán bộ làm công tác kiểm tra./.

 

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực