Công bố dự thảo kết quả kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Điện Biên

Thứ tư, 27/09/2017 17:43
(ĐCSVN) - Ngày 27/9, tại Điện Biên, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Hình ảnh tại Hội nghị

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Đoàn công tác cho biết, từ ngày 20-29/7/2017, Đoàn công tác đã trực tiếp làm việc với 10 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hoàn thành các yêu cầu đề ra.

Báo cáo cũng cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN). Qua đó, giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa, yêu cầu của công tác này. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế. Chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến tham nhũng và sai phạm kinh tế.

Ủy ban Kiểm tra các cấp của tỉnh đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến tham nhũng và sai phạm kinh tế đối với 11 tổ chức đảng và 58 đảng viên. Qua đó, phát hiện 11 tổ chức Đảng và 41 đảng viên có vi phạm nhưng chưa đến mức thi hành kỷ luật, đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm; 17 đảng viên vi phạm đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 14 trường hợp, cảnh cáo 2 trường hợp, cách chức trong Đảng một trường hợp.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Điện Biên đã thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra giám sát, phát hiện sai phạm về kinh tế trên 20 tỷ đồng, kiến nghị xử lý nhiều tập thể cá nhân. Qua công tác kiểm toán Nhà nước, đã thực hiện 4 cuộc kiểm toán đối với công tác quản lý ngân sách và vốn đầu tư, kiến nghị phải thu hồi ngân sách Nhà nước gần 93 tỷ đồng (đã thu hồi gần 35 tỷ đồng).

Ngành Thanh tra tỉnh Điện Biên đã thực hiện hơn 500 cuộc thanh tra, qua đó đã phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 190 tỷ đồng, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 tập thể, hơn 300 cá nhân…

Công tác thanh tra được triển khai, tổ chức thực hiện đạt 100% kế hoạch. Các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hai cấp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế. Quá trình điều tra chưa có vụ án nào bị đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra. Các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được xét xử kịp thời, mức án đủ nghiêm, đúng quy định, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Dự thảo báo cáo của Đoàn công tác số 1 cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong triển khai thực hiện công tác PCTN: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc phản ánh, tố giác hành vi tham nhũng, sai phạm kinh tế. Việc tự phát hiện tham nhũng, sai phạm và tội phạm về kinh tế trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn hạn chế; kết luận một số cuộc thanh tra chưa xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong thời gian qua. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên đã có những bước chuyển biến, đời sống bà con nhân dân được ổn định. Các mối quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng được giữ vững và tăng cường, thế mạnh về du lịch lịch sử đã được quan tâm.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của tỉnh Điện Biên trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, trong đó nhấn mạnh sự chủ động, quyết liệt để ngăn chặn tham nhũng chưa cao, chưa tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, chưa kiên quyết trong việc xử lý các cơ quan, đơn vị vi phạm; đặc biệt là trách nhiệm của một số người đứng đầu các tổ chức Đảng chưa dứt khoát, chưa chú trọng.

Đồng chí Võ Văn Dũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là ý thức của người đứng đầu các tổ chức Đảng. Hàng năm cần định hướng trọng tâm, trọng điểm công tác kiểm tra, giám sát trên toàn tỉnh, tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm, phức tạp, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; đồng thời phải có biện pháp xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức không thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định.

Đồng chí Võ Văn Dũng cũng đề nghị tỉnh Điện Biên cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác và 6 tháng sau ban hành kế hoạch, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để theo dõi, chỉ đạo./.

Đặng Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực