Dân vận khéo, công tác tốt nhờ thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc

Thứ tư, 09/12/2015 10:56
(ĐCSVN) - Đại uý Sằn A Phật áp dụng tinh thần "4 cùng" (cùng làm, cùng ở, cùng ăn và cùng nói tiếng dân tộc) để gặt hái được nhiều thắng lợi trong công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh và phát triển kinh tế - văn hoá huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Đại úy Sằn A Phật (sinh năm 1983), Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là người dân tộc Sán Chỉ. Trong công tác, anh Phật đã giành nhiều thành tích, vượt qua khó khăn thách thức, tích cực vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự. Đại uý Sằn A Phật vinh dự là một trong những đại biểu trình bày tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Huyện Tiên Yên - nơi Đại úy Sằn A Phật công tác hiện có 9 dân tộc thiểu số cùng sinh sống rải rác ở 85 thôn, khe, bản. Đời sống kinh tế của nhân dân của các xã vùng cao nhìn chung còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, những hủ tục trong ma chay, cưới xin mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn lạc hậu. Tình hình an ninh trật tự (ANTT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp như: Xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương.

Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2007, anh Sằn A Phật được phân công trở về quê hương công tác. Để làm tốt nhiệm vụ, anh đã tự nghiên cứu, tích luỹ những kiến thức xã hội, tự học tiếng của các dân tộc để gần gũi với bà con.

Đại úy Sằn A Phật - Ảnh: Phạm Cường

Đại úy Sằn A Phật chia sẻ: “Tôi thấy thật vinh dự nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi luôn xác định, ngoài những kiến thức đã được học ở trường, bản thân tôi còn phải tự nghiên cứu, tích lũy những kiến thức xã hội, tích lũy những kinh nghiệm của đồng chí, đồng đội đi trước. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo công an huyện luôn quán triệt, hướng dẫn tôi muốn thâm nhập vào vùng dân tộc thì phải am hiểu phong tục, tập quán, nếp sống, sinh hoạt của bà con.”

“Vì vậy, trải qua 7 năm công tác, tôi đã tranh thủ mọi thời gian và quyết tâm học tiếng dân tộc, với nhận thức, nếu biết tiếng nói của bà con sẽ dễ dàng, thuận lợi trong tiếp xúc, tạo tâm lý gần gũi với bà con, từ đó có thể làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động. Đến nay, tôi đã nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là: Tày, Hoa, Sán chỉ và Dao…”.

Đại úy Sằn A Phật kể, kỷ niệm đầu tiên khi học được tiếng của dân tộc Dao là một lần lên bản, anh được một thanh niên nhất định kéo vào nhà uống rượu mừng. Anh ta khoe: “A Phật à, hồi tao cưới cái vợ, bố mẹ vợ thách cưới cao quá. Giờ tao không thích cái vợ này nữa nên gả cho thằng A Tài ở xã bên, tao thách cưới cao hơn cả bố mẹ vợ mà thằng A tài vẫn ưng. Thế là có lãi rồi...”.

“Nghe qua tôi biết, hủ tục “bán vợ” vẫn còn tồn tại đây đó trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các khái niệm hôn nhân một vợ, một chồng, luật hôn nhân gia đình đối với họ còn rất xa lạ. Từ đó, tôi phải vận dụng hết vốn hiểu biết tiếng dân tộc của mình, giảng giải cho bà con dần dần cho dễ hiểu để bà con từ bỏ và làm theo đúng quy định của pháp luật”.

Đối với vấn đề trẻ em miền núi thường bỏ học sớm, anh A Phật cũng dành nhiều sự quan tâm. Mỗi lần chuẩn bị lên bản là anh mang theo bánh kẹo để ngồi chơi cùng các cháu, vận động các cháu đi học. Anh A Phật tâm sự: “Trẻ con rất thích quân phục của các chú công an, đứa đòi đội mũ kepi, đứa mân mê cầu vai, ve hàm. Tôi mới mang chính câu chuyện của bản thân mình ra kể, từ hồi học lớp 4 đến hết lớp 9, thường mất nửa ngày đường đi bộ từ nhà ở xã Đại Dực xuống trường Trung tâm huyện Tiên Yên để học. Nhiều lần đói, mệt, nản quá cũng muốn bỏ học, nhưng nếu bỏ học thì làm sao bây giờ được làm công an. Bọn trẻ nghe xong rất thích thú, bảo nhau cố đi học... vì thích mặc quân phục công an”.

Đã có nhiều trường hợp quyết tâm đi học và có kết quả như cháu Nình Mọc Sồi học hết lớp 3 định bỏ học, được anh A Phật vận động, động viên nay đã học đến lớp 11. Hay như anh Nình A Lộc ở xã Đại Dực đã bỏ học một thời gian, được vận động đi học trở lại, đã học hết lớp 12, tiếp tục học đại học từ xa, nay đã trở thành Phó chủ tịch xã Đại Dực...

Theo Đại úy Sằn A Phật, một trong những yếu tố có tính quyết định để hoàn thành tốt nhiệm vụ là phải tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bà con các dân tộc (đặc biệt là số người có uy tín). 
“Những lần lên bản, tôi giành nhiều thời gian chuyện trò, tâm sự, động viên các già làng, người có uy tín, dạy các cháu nhỏ học bài, giúp người dân làm nương dẫy, dần dần tạo mối quan hệ tình cảm thân thiết với họ, tạo niềm tin để họ ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc là những người được đồng bào tín nhiệm, họ có ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng dân cư, họ chính là sức mạnh nòng cốt của phong trào toàn dân  bảo vệ an ninh tổ quốc”, anh Sằn A Phật tâm sự. 

Chính từ sự giúp đỡ của nhân dân và với lòng quyết tâm, nỗ lực trong công tác, cùng với sự động viên của đơn vị, trong 7 năm qua Đại úy Sằn A Phật luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nắm được nhiều tình hình ở cơ sở, tham mưu và giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình như cuối năm 2013, qua nắm tình hình, anh phát hiện được một đường dây tổ chức đưa dẫn số lượng lớn người địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Sau một thời gian triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Tiên Yên đã tổ chức vây bắt gọn đường dây, gồm 50 người đều là người dân tộc thiểu số (Dao, Sán chỉ, Tày) đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê. Trong quá trình lấy lời khai, các đối tượng rất ngoan cố, không khai đối tượng tổ chức đưa dẫn, nhiều trường hợp giả vờ không biết nói tiếng Kinh, không hợp tác...

Thấy sự việc có chiều hướng bế tắc, anh đã đề xuất phân loại, chia các đối tượng thành 2 nhóm, cho mỗi nhóm ngồi một phòng riêng. Do không biết anh nghe được tiếng dân tộc nên mọi người tự do trao đổi với nhau, dặn nhau thống nhất không khai người này, người kia... Nắm được thông tin trên, anh đã trực tiếp đấu tranh, khai thác và chỉ trong thời gian 30 phút các đối tượng đã phải khai nhận toàn bộ sự việc. Từ vụ việc trên, cùng với các biện pháp quyết liệt khác của đơn vị và chính quyền địa phương, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn diễn ra nữa.

Các đại biểu lắng nghe và ấn tượng với tham luận của Đại úy Sằn A Phật
 Ảnh: Phạm Cường

Hay như vào tháng 9/2014 tại xã Hải Lăng, có 3 đối tượng trộm cắp tài sản của Trường tiểu học, sau đó bỏ trốn. Anh được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ vận động đối tượng đầu thú, nhưng lúc đầu vận động người thân của đối tượng không hợp tác. Hiểu được tâm lý của đồng bào dân tộc, anh đã sử dụng tiếng của đồng bào giải thích cho họ hiểu về hành vi vi phạm và nếu ra đầu thú được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước, không thì sẽ bị phạt rất nặng. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, cả 3 đối tượng đã ra đầu thú khai nhận toàn bộ sự việc.

Có vụ việc đánh nhau xảy ra gần đây nhất vào đầu tháng 10/2015, giữa hai nhóm thanh niên của xã Đại Đực. Quá trình điều tra vụ việc, nhiều đối tượng giả vờ không nói được tiếng Kinh, hoặc nói rất ít để gây khó khăn cho công tác điều tra. Đại úy Sằn A Phật được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ làm công tác tư tưởng cho các đối tượng liên quan. Vốn là người cùng quê, bằng các biện pháp nghiệp vụ và lời nói chân tình, chia sẻ tình cảm, giúp đỡ trong khuôn khổ của pháp luật, chỉ 20 phút, Đại úy Sằn A Phật làm công tác tư tưởng, các đối tượng đã hợp tác và khai nhận toàn bộ và chỉ ra kẻ chủ mưu của vụ việc.

Đến thời điểm hiện nay, Đại úy Sằn A Phật đã vận động trên 30 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động được hàng trăm lượt người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia vận động, hoà giải, giải quyết hàng chục vụ việc mâu thuẫn nội bộ trong vùng đồng bào dân tộc...góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Chia sẻ những công việc của mình trong thời gian qua tại Đại hội, Đại úy Sằn A Phật tâm sự: “Tôi không coi những việc làm trên là thành tích hay chiến công, tôi chỉ biết đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ công an và tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà cũng giống như công việc của những người chiến sĩ an ninh khác, đang ngày đêm bám bản, bám làng ở các địa bàn vùng sâu, vùng  xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con, cùng giúp đỡ bà con từng việc làm nhỏ để góp phần giúp bà con có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”./.


Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực