“Dân vận khéo” ở xứ Mường Bi

Thứ hai, 24/02/2020 15:49
(ĐCSVN) - Bám sát đặc thù địa bàn nông thôn miền núi, thời gian qua các mô hình “dân vận khéo” ở xứ Mường Bi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã được triển khai có hiệu quả gắn với những phong trào thi đua cụ thể.
leftcenterrightdel

Các mô hình “dân vận khéo” đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội huyện Tân Lạc phát triển. Ảnh: MH

Sức lan tỏa của mô hình dân vận đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, hàng năm Huyện ủy Tân Lạc đã đưa nội dung công tác "dân vận khéo" thành chương trình, kế hoạch công tác để lãnh đạo, triển khai thực hiện. Huyện ủy đã chỉ đạo sâu sát cả hệ thống chính trị đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020" và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phát động. Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện tổng số 221 mô hình, “dân vận khéo” của tập thể và cá nhân. Các mô hình được triển khai có tính phong phú trên nhiều lĩnh vực như: Lĩnh vực kinh tế có 95 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 72 mô hình; lĩnh vực an ninh - quốc phòng có 31 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 23 mô hình...

Tìm hiểu được biết, nhờ gắn với các phong trào thi đua nên nhìn chung các mô hình “dân vận khéo” ở xứ Mường Bi đều phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân địa phương; trong đó trọng tâm là phát triển đời sống kinh tế - xã hội; tạo dựng diện mạo mới cho quê hương, làng bản. Điển hình như trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã trực tiếp góp phần thúc đẩy sản xuất kinh tế của địa phương phát triển; tạo động lực cho bà con mạnh dạn, tự tin tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ, dám làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo bền vững. Đến nay, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng tại các địa phương trong huyện như “Mô hình trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh”, “Mô hình trồng quýt” (Nam Sơn); “Mô hình trồng khoai lang” (Phú Cường); “Mô hình trồng nấm”, “Mô hình nuôi thỏ sinh sản”, “mô hình trồng su su lấy ngọn” (Quyết Chiến); “Mô hình nuôi cá lồng” (Ngòi Hoa, Trung Hòa); “Mô hình nuôi ong” (Quy Hậu)... Các mô hình được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức hướng dẫn và nhân rộng. Hầu hết các mô hình đem lại hiệu quả cho thu nhập cao. Đồng chí Bùi Đức Dị, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Lạc chia sẻ, nét nổi bật trên lĩnh vực kinh tế đó là các mô hình "dân vận khéo" đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách làm của dân; nhiều nơi, bà con đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và làm giàu chính đáng. Sự lan tỏa của các mô hình “dân vận khéo” đã giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, phát huy được tiềm năng, lợi thế, lao động, nguồn vốn của từng địa phương, đơn vị.

leftcenterrightdel

Người dân huyện Tân Lạc thu hoạch mía tím. Ảnh: MH

Song song với đó, các mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được triển khai thường xuyên, có hiệu quả thiết thực. Nổi bật là các mô hình: Mô hình “Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp”, mô hình "Tiếng trống học đêm” của Huyện đoàn; mô hình “Mái ấm nông dân” của Hội nông dân; mô hình “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động; mô hình “Nhà đồng đội" của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Đồng hành cùng các em đến trường”, mô hình “Góc học tập” của Ban chỉ huy quân sự huyện; các mô hình của Hội Phụ nữ: “Không sinh con thứ 3”; “Đội tình nguyện phòng chống tệ nạn xã hội”; “Hiến đất xây trường học”; “Hũ gạo tình thương; “Tiếng trống học đêm”; “Đoạn đường tự quản về hành lang giao thông”, “Quỹ tín dụng giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, “Mô hình đoạn đường phụ nữ nở hoa”... Anh Quách Văn Thi ở xã Phú Cường cho biết: “Nhờ tham gia trong các mô hình dân vận khéo nên bà con nhân dân đã ý thức hơn trong thực hiện các công việc chung của bản làng; nhiều giá trị văn hóa, nhất là tinh thần đoàn kết, gắn bó làng xóm đã được bảo tồn, phát triển”.

Có thể thấy, các mô hình “dân vận khéo” ở xứ Mường Bi (Tân Lạc) đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hiệu quả tích cực thu được từ các mô hình “dân vận khéo” đã không chỉ có tác động tích cực, cổ vũ toàn dân thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, ổn định đời sống; mà còn củng cố sự tin tưởng của đồng bào các dân tộc trong huyện đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp. Từ đó, tạo được sự  thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân và sự đồng thuận xã hội, tập trung mọi nguồn lực, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác dân vận, vận động quần chúng, phát huy những kết quả nói trên, thời gian tới, Huyện ủy Tân Lạc sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai, nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” theo hướng đa dạng trên các lĩnh vực. Đồng thời, chú trọng gắn các mô hình “dân vận khéo” với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn huyện./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực