Đảng bộ Đèo Cả: Thay đổi để vươn đến tương lai

Thứ sáu, 22/11/2019 17:23
(ĐCSVN) - Thương hiệu Đèo Cả đã trở thành 1 trong những biểu tượng nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ hàng đầu tại Việt Nam, được Chính phủ, các nhà đầu tư, cộng đồng xã hội tin tưởng, tôn vinh bởi sự thành công từ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Để đạt được những thành công đó, Đèo Cả đã vươn lên nhờ vào một hệ thống tư duy đào tạo rất đặc biệt.
leftcenterrightdel
Hình ảnh tại Hội nghị sơ kết công tác Đảng 9 tháng đầu năm 2019 

Từ tháng 5/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) - tiến hành tái cấu trúc toàn diện để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư, kinh doanh trong quy mô khu vực và quốc tế.

Tập đoàn Đèo Cả hiện nay là công ty mẹ, bao gồm 19 công ty thành viên chia thành 4 khối ngành nghề và các ban chuyên môn, như: khối doanh nghiệp đầu tư; khối doanh nghiệp dự án; khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các đối tác chiến lược. Đèo Cả là một tập đoàn có nhiều thế mạnh, kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động: Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông; quản lý vận hành công trình giao thông; tổng thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị; đầu tư tài chính,... Với hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động, đây là một tập thể đoàn kết, thống nhất cùng theo đuổi khát vọng trở thành: “Nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất; nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nhất và tổng thầu mạnh nhất", để thực hiện khát vọng phát triển, mang đến “cuộc sống an toàn, sung túc cho con người, đất nước Việt Nam”.

Trong sự phát triển mạnh mẽ đó, Đảng bộ Đèo Cả đóng vai trò rất quan trọng, là  thành tố đảm bảo tính thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân được biểu hiện cụ thể ở một doanh nghiệp, là điểm tựa cho hình thành mẫu số chung giữa phấn đấu cho thịnh vượng của doanh nghiệp với chăm lo đời sống người lao động, phục vụ cộng đồng xã hội, cao hơn là thực hiện định hướng của Đảng về phát triển kinh tế tư  nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần  xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường.

Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả có 4 đơn vị thành viên có tổ chức đảng, trực thuộc các quận, huyện ủy địa phương nơi đứng chân, với tổng số gần 300 đảng viên. Các đơn vị có tổ chức Đảng đều phát triển ổn định và làm ăn có lãi. Các tổ chức Đảng đều phát huy được vai trò, vị trí của mình tại doanh nghiệp. Từ đây có thể thấy rằng, việc thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp là một yếu tố rất cần thiết trong quá trình hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.

HĐQT và Đảng bộ Tập đoàn đã tổ chức các lớp quán triệt học tập nghị quyết của Đảng; xây dựng chương trình hành động; thảo luận chuyên đề, ban hành các nghị quyết, xác định chỉ tiêu phát triển đảng viên và xây dựng Chi bộ, Đảng bộ,… không tách rời với các hoạt động doanh nghiệp (khi tiếp nhận doanh nghiệp cổ phần Nhà nước là Hamdeco các đảng viên đã được quy tụ xác lập nhiệm vụ mới là cần chọn lựa Bí thư và để bầu làm Thành viên HĐQT độc lập trong Tập đoàn Đèo Cả), lối thoát cho dự án bị lỗi - lối đi cho Đèo cả khi tháo gỡ bất cập.

Câu chuyện triển khai thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT trở nên rất nóng bởi ở giai đoạn nước rút phải hoàn thành theo mốc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (31/12/2019), nhà đầu tư VETC đã phải rút lui khi có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trả lại dự án. Trong bối cảnh ấy, Tập đoàn Đèo Cả đã thêm một lần nữa “nhảy” vào những dự án khó khăn bế tắc để cùng tháo gỡ.

Dường như những ai theo dõi những bước đi của hạ tầng giao thông những năm qua hoặc là những người trong “ngạch giao thông” sẽ không ngạc nhiên khi Đèo Cả vào cuộc, họ đã có những bước đi đầu tiên, nỗ lực cùng các bên “cứu” dự án. Ông Trần Văn Thế, Phó Bí thư Đảng bộ Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả) cho biết: “Thay vì ngồi bình luận hãy bắt tay vào cuộc để dự án không bị đổ vỡ mà chính các Nhà đầu tư chúng ta cũng phải gánh chịu mà …!”.

Khó khăn chồng chất khó khăn, môi trường đầu tư BOT đã tồn tại nhiều bất cập và nó đang phải gánh chịu những tật nguyền là hậu quả của những “dự án lỗi”, việc dấn thân của Đèo Cả trong đầu tư hạ tầng giao thông những năm qua cho thấy sự quyết tâm khẳng định thương hiệu của lãnh đạo Tập đoàn tại các dự án giao thông.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị tài trợ vốn nghe báo cáo tiến độ dự án Bắc Giang - Lạng Sơn ngay trên xe điều hành 

Việc Đèo Cả hoàn thành sứ mệnh đục thông các con đèo hiểm trở ở khu vực Nam Trung Bộ, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (7/2016 – 1/2019), hai ngọn núi Cả, Cù Mông lần lượt được đục thông, phá thế bị kẹp trong ốc đảo từ cơn biến tạo của thiên nhiên, giúp cho Phú Yên, Bình Định bừng tỉnh sau giấc ngủ dài thì những hầm đường bộ đó được ví như những cung đường huyền thoại. Đèo Cả và Cù Mông, hai địa danh là trở ngại ngăn cách hai đầu Bắc – Nam tỉnh Phú Yên, trở thành cú hích phát triển kinh tế xã hội vùng Nam Trung Bộ, trở thành niềm tự hào của người Việt khi tiếp cận công nghệ đào hầm NATM (công nghệ Áo) để thực hiện thành công hệ thống đường hầm xuyên núi hiện đại bậc nhất khu vực.

Không những vậy, những người làm hầm Đèo Cả tiếp tục đưa dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, phục vụ nhu cầu giao thương bức thiết của khu vực phía Bắc đất nước vào ít tháng tới. Đèo Cả cũng tham gia tháo gỡ nhiều vướng mắc tại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, chỉ hơn nửa năm quản trị điều hành đã giúp cho tiến độ vượt gần gấp đôi 10 năm trước đó… là những minh chứng cho sự vượt khó, cho việc đi ngược những ngọn sóng bất cập dồn dập mà không ít doanh nghiệp đã bị cuốn theo rồi bị nhấn chìm. Nhiều dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác xử lý như: Dự án hầm Phú Gia Phước Tượng BOT; dự án Vân đồn – Móng Cái... “Tập đoàn Đèo Cả đã khẳng định không tham gia vốn, chuyển nhượng dự án, không quan tâm lợi ích khác (không mua bán lòng vòng, không quan tâm những lợi ích ngắn hạn,…) mục đích là mang kinh nghiệm trải qua của mình để hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những vướng mắc chính từ cơ chế, cách tổ chức thực hiện…”, ông Trần Văn Thế cho biết.

leftcenterrightdel
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm 

Bên cạnh đó, với trách nhiệm với xã hội, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã tham gia nộp hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư của 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam, với năng lực kinh nghiệm của mình đã hoàn thành các dự án hầm giao thông, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn,… Tập đoàn Đèo Cả tham gia với vai trò leader để quản trị, điều hành dự án, trong khi phần tài chính dự án lại được các nhóm nhà đầu tư khác thu xếp.

Sự vào cuộc giải quyết những dự án mang “trọng bệnh” thể hiện trách nhiệm của Đèo Cả trong vai trò doanh nghiệp trước những vấn đề của ngành giao thông, sự nghiên cứu nghiêm túc, những bước đi dài với mục đích để đánh giá, đúc kết nhằm tạo ra những sản phẩm thật sự có ích cho xã hội, có ích cho sự phát triển kinh tế của đất nước. 

Dấn thân và bứt phá của Tập đoàn Đèo Cả luôn có sự đồng hành của Đảng bộ, của mỗi đảng viên để vươn ra biển lớn, thực hiện thành công mong đợi của Đảng cần có những doanh nghiệp tư nhân dám nghĩ, dám làm, nhiệt tình và trách nhiệm trên lĩnh vực xây dựng – giao thông, phục vụ có hiệu quả cho thực hiện đột phá chiến lược trong  phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong thời kỳ mới./.

Thành Phan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực