Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong giám sát bảo vệ môi trường

Thứ năm, 27/09/2018 10:53
(ĐCSVN) - Đến nay, sau gần 1 năm triển khai, chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được kết quả bước đầu. Đáng chú ý, qua các cuộc giám sát đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đây chính là tiền đề quan trọng để đưa ra các giải pháp nhằm làm tốt công tác này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác
giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường
và ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh:TA)

Nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong bảo vệ môi trường

MTTQ Việt Nam xác định bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề được thế giới cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước quan tâm. Chính vì vậy, ngày 8/11/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ban hành Chương trình số 25/CTPH-MTTW-TCTV-TNMT ngày 08/11/2017 về phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2019.

Mục đích của Chương trình nhằm phát huy vai trò của các cơ quan nêu trên trong việc hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, có cơ sở để biểu dương các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt, nhân rộng những mô hình tiêu biểu trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan chỉ có chức chức năng giám sát nhưng lại không có chế tài xử lý. Trả lời băn khoăn này của chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh thông tin, chức năng chính của Mặt trận là giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Chính vì thế, trong giám sát khi phát hiện vấn đề ở địa phương nào, Mặt trận phải đề nghị chính quyền cũng như các cơ quan liên quan của địa phương đó quan tâm tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật nếu có vi phạm. Ngoài ra, hàng năm, địa phương phải đánh giá tác động môi trường và có báo cáo gửi đến cơ sở, nơi đơn vị tọa lạc trên địa bàn để người dân cùng được biết.

Đối với nghiệp vụ chuyên môn trong giám sát, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết: “Khi thực hiện giám sát chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực tế chúng tôi cũng không quá khó khăn trong quá trình thực hiện vì Mặt trận chủ yếu giám sát thông qua văn bản, báo cáo. Nếu yêu cầu cần phải khai thác sâu thì giao cho các Bộ và các cơ quan chuyên môn để họ có đánh giá, thẩm định cho nên trong các đoàn giám sát, chúng tôi đều có cơ cấu, thành phần là các cơ quan chuyên môn cùng tham gia”.

“Tuy nhiên, khi đi giám sát chúng tôi cũng gặp áp lực về thời gian. Nếu muốn giám sát sâu, giám sát kỹ, đi đến từng địa bàn thì thời gian chính là bài toán khó nhất cho cả cơ quan giám sát và cơ quan bị giám sát. Bên cạnh đó, thành phần tham gia giám sát không phải lúc nào cũng bố trí được người tham gia từ đầu đến cuối mà họ thay đổi theo từng kỳ cuộc” – Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trao đổi.

Trước thực tế đó, triển khai chương trình giám sát ở cấp Trung ương năm 2018, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến đi giám sát ở 4 tỉnh, thành phố. Đến nay, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát được 3 đơn vị, đó là Hải Dương, Cà Mau và Lào Cai. Cùng với Trung ương, MTTQ Việt Nam các địa phương trong cả nước triển khai ký kết chương trình phối hợp và tiến hành giám sát tại cơ sở.

Là người chủ trì các cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nêu lên, qua thực tế giám sát tại 3 địa phương, các thành viên trong đoàn giám sát thấy rằng, ý thức chấp hành pháp luật cũng như sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy các địa phương cũng đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, HĐND cũng tăng cường hơn công tác giám sát; UBND các cấp cũng tăng cường ban hành các chỉ thị, đề án, quyết định để tổ chức triển khai thực hiện.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thừa nhận, qua giám sát, hiện vẫn còn có những đơn vị chưa quan tâm nhiều đến việc bảo vệ môi trường. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước chưa kiên quyết xử lý, đặc biệt việc phát huy vai trò giám sát của người dân chưa được đề cao; việc đánh giá đầy đủ tác động môi trường chưa được phối hợp chặt chẽ… Vì vậy, vẫn còn tình trạng nhân dân ở một số nơi bức xúc vì môi trường đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của họ.

Từ thực tế các cuộc giám sát, MTTQ Việt Nam đề nghị, thời gian tới, cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đối với công tác khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Muốn thế, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện, cần công khai với người dân về kết quả các cuộc kiểm tra….

Từ các cuộc giám sát, không chỉ các cơ quan tiến hành giám sát mà các cơ quan được giám sát từ thực tế tại cơ sở cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại cuộc giám sát của MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan diễn ra mới đây tại tỉnh Cà Mau, tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đầu tư nguồn kinh phí cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bổ sung hoàn thiện một số quy định về quản lý đặc thù đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Đồng thời huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời.

Đối với nước ta, biến đổi khí hậu không còn là “nguy cơ", không chỉ là “hiện tượng" đơn lẻ mà đã là
thực tế hiện hữu, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền. (Ảnh: TA)

Tại cuộc giám sát tại tỉnh Lào Cai, từ thực trạng người dân vẫn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, các đại biểu đề nghị Mặt trận cùng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng những nguyên liệu độc hại trong trồng trọt, “nói không với thuốc diệt cỏ”, thay vào đó tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn để đảm bảo môi trường sống của người dân tại khu dân cư.

Có thể nói, việc giám sát của Mặt trận góp phần giúp cho các đơn vị cũng như các cấp chính quyền quan tâm hơn đến các nội dung liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trong quá trình giám sát nếu không có ai giám sát, không có cơ quan nào để ý đến thì việc chỉ đạo cũng chỉ ở mức độ nhưng khi có cơ quan đến giám sát thì rõ ràng cấp ủy, chính quyền cũng sẽ có những động thái quan tâm hơn. Do đó, năm 2019, MTTQ và các cơ quan liên quan sẽ có đánh giá tổng thể xem người dân đang bức xúc ở đâu, có cơ sở hay không… để góp phần cùng các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt đối với người dân trong lĩnh vực này./.

Bảo Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực