Đoàn kết là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ bảy, 17/11/2018 13:53
(ĐCSVN) – Đó là nhấn mạnh của đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi trao đổi với chúng tôi nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018), Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đang được tổ chức rộng khắp ở mọi khu dân cư trên cả nước.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh dự Ngày hội với bà con ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập,

huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Quốc Định)

PV: Ngày 18/11 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam. 88 năm qua, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, MTTQ Việt Nam đã thể hiện vai trò đoàn kết, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Như chúng ta đã biết, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã có chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất để tập hợp các tầng lớp, các giai tầng xã hội thành một lực lượng cách mạng hùng hậu để thực hiện công cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo. Chính vì vậy, ngày 18/11/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế và sau này đổi tên thành MTTQ Việt Nam.

Suốt 88 năm xây dựng và trưởng thành, với sự rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Đó là đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, các giai tầng trong xã hội để thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Với những hình thức và tên gọi khác nhau như Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế, Hội Việt Minh; rồi đến tháng 10/1955 là MTTQ Việt Nam ở miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở miền Nam để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước, đó là: xây dự

ng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Và ở miền Nam, với vai trò đoàn kết, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, yêu hòa bình và đấu tranh giành độc lập dân tộc... đã tập hợp những người yêu nước để thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến khi đất nước được hòa bình lập lại, MTTQ Việt Nam đã chính thức hợp nhất giữa hai miền và trở thành MTTQ Việt Nam như tên gọi ngày nay.

Ở mỗi một giai đoạn, vai trò đoàn kết, tập hợp của MTTQ Việt Nam đối với các tầng lớp nhân dân thể hiện rất rõ ràng. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, MTTQ Việt Nam đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình để tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, thành phần, miễn là có một tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp được rất nhiều các tầng lớp nhân dân và đã thực hiện được nhiệm vụ, sứ mệnh mà Đảng Cộng sản Việt Nam giao cho, đó là tập hợp lực lượng cách mạng hùng hậu, qua đó đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Còn ở miền Bắc với hình thức và tên gọi là MTTQ thì đã tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân từ công nhân cho đến người lao động, trí thức, học sinh, sinh viên để tích cực thi đua lao động sản xuất với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai để góp phần tạo ra hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam...

Trong những năm gần đây, các cuộc vận động MTTQ Việt Nam như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… đã khích lệ, tập hợp và tạo thành điểm tương đồng để tất cả người dân Việt Nam không phân biệt thành phần, tôn giáo, giai cấp được tập hợp để góp phần xây dựng cuộc sống cho gia đình, địa phương và đóng góp vào những thành tựu to lớn để xây dựng, bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Từ năm 2003 đến nay, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, hơn 10 vạn khu dân cư trong toàn quốc đã đồng loạt tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Phó Chủ tịch có thể cho biết cảm nhận của mình khi được dự ngày hội cùng với bà con ở thôn, xóm, khu dân cư?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp nói chung và những người làm công tác Mặt trận nói riêng đều hết sức phấn khởi, vui mừng với những không khí Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ năm 2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Nghị quyết về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với mục đích ban đầu để kỷ niệm ngày truyền thống vào ngày 18/11 hằng năm. Mục tiêu đề ra lúc đó của Ngày hội nhằm góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ, tạo sinh hoạt vui tươi để thắt chặt tình đoàn kết các khu dân cư…

Sau dần chúng tôi thấy rằng thông qua việc tổ chức hằng năm, sự tham gia của bà con ngày càng quan trọng hơn, thu hút được nhiều nhân dân tham gia các hoạt động trong Ngày hội. Thậm chí là những người đi làm ăn xa quê khi nghe ở địa phương, khu dân cư của mình tổ chức các hoạt động trong ngày 18/11 thì họ cũng sắp xếp các công việc để tham dự ngày vui của cộng đồng, thôn xóm. Đây là lợi thế để Mặt trận tiếp tục nâng cao hoạt động này.

Chính vì vậy, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị phải tiếp tục nâng cao chất lượng Ngày hội đại đoàn kết. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn để các khu dân cư có những nội dung sinh hoạt của nhân dân trong các khu dân cư đó thiết thực hơn, phát huy được quyền làm chủ của người dân ở địa phương cũng như kêu gọi được những người đi làm ăn ở xa quê về đóng góp xây dựng quê hương; đánh giá lại các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước...

Chúng tôi vô cùng xúc động và rất vui mừng vì về khu dân cư, tình làng nghĩa xóm được tăng cường hơn thông qua các hoạt động như khơi dậy các truyền thống của quê hương, rồi tổ chức các hoạt động giao lưu, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, các hoạt động thăm hỏi người cao tuổi, gia đình chính sách, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng dân cư… Các hoạt động này được bà con tổ chức và triển khai với một tinh thần đoàn kết, sự đùm bọc, sẻ chia trong cộng đồng rất sâu sắc…

Phóng viên: Trong những ngày qua, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về chung vui với ngày hội Đại đoàn kết, đều bày tỏ mong muốn mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền phấn đấu thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội tại địa phương... Vậy việc đoàn kết ở các làng, xóm, khu dân cư có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Đoàn kết là yếu tố cơ bản để tạo lên sức mạnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu như khu dân cư đoàn kết thì mọi người sẽ đồng lòng, cùng nhau thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nào đó và hoạt động nào đó do các đoàn thể khởi xướng để thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại các địa phương kết hợp phong phú
giữa phần lễ và phần hội. (Ảnh: TH)


Về mặt kinh tế, chúng tôi thấy rằng đoàn kết sẽ mang lại sức mạnh để nhân dân có thể hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế. Chúng ta thường nói với nhau là "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Trong làm ăn riêng lẻ thì rõ ràng hiệu quả không thể cao, nếu nhiều người cùng hợp tác lại, cùng làm việc gì đó thì hiệu quả sẽ được nâng lên rất nhiều lần. Bà con cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau, từ đó đời sống nhân dân được nâng lên.

Về mặt xã hội, tình làng nghĩa xóm luôn luôn được thắt chặt. "Tắt lửa tối đèn có nhau". Khi đoàn kết, bà con chia sẻ được những niềm vui cũng như những khó khăn, giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Trong cộng đồng, sự đoàn kết sẽ làm cho niềm vui đó nhân lên gấp nhiều lần, tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, khích lệ mọi người cùng hăng hái thi đua để làm nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn.

Về mặt chính trị, an ninh trật tự, đoàn kết của nhân dân ở khu dân cư sẽ tạo ra cho bà con ý thức phải bảo vệ được sự bình yên của khu dân cư, góp phần ngăn chặn được tội phạm, tệ nạn xã hội, giúp cho bà con cảnh giác được trước những âm mưu chia rẽ đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV:  Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có vai trò như thế nào trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa đồng chí?,

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Có thể khẳng định, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động và thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có tác động rất quan trọng góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.

Cụ thể, với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện nay mà trước đây là các Cuộc vận động “Xây dựng đời sống mới” năm 1980; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới" năm 1995; rồi đến Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư" năm 2008 và đến năm 2015, đổi tên thành cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Các cuộc vận động này MTTQ Việt Nam đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ, trong từng giai đoạn. Giai đoạn trước đây là muốn xây dựng cuộc sống của người dân làm sao thể hiện sự đoàn kết, tương trợ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc để tạo thành động lực to lớn để mọi người có lòng tự hào, tự tôn dân tộc để từ đó tham gia tích cực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn hiện nay với hai chương trình mục tiêu quốc gia lớn là xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã tập hợp tất cả các giai tầng, các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, tham gia thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương để thực hiện các tiêu chí cụ thể…

Tất cả các cuộc vận động do Mặt trận phát động được nhân dân hưởng ứng, đồng tình bởi các nội dung phát động hết sức phù hợp và đáp ứng được sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân.Chính vì vậy đã tạo nên sức mạnh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện, Mặt trận có phong trào đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phong trào này Mặt trận đặt ra mục tiêu là phát huy tinh thần sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam với sự tham gia nòng cốt các tổ chức chính trị - xã hội như: Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh... Mục đích của phong trào này là vận động đoàn viên, hội viên của mình đoàn kết để làm sao mỗi người, mỗi ngày phát huy được tính sáng tạo để góp phần làm cho địa phương, đơn vị, cơ quan ngày càng phát triển với những ý tưởng mới, làm cho quá trình lao động, sản xuất được cải tiến, đổi mới để đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được xu hướng hội nhập hiện nay của đất nước. Sau 2 năm thực hiện hiện, Mặt trận đang tập hợp tất cả các ý tưởng sáng tạo mới để tiếp tục bồi dưỡng và phối hợp với các ngành chức năng có những cơ chế, chính sách để khuyến khích và phát triển các ý tưởng đó lên thành những sáng kiến, sáng tạo để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.

Với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Mặt trận đã khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ, gần như 100% người Việt Nam đã biết đến những hàng hóa, sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và trên 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm mua bán, sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Tỷ lệ mua, sử dụng lại hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là lên tới hơn 60%. Điều đó cho thấy Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã quy tụ được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để chúng ta ủng hộ cho việc xây dựng một nền kinh tế tự cường trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thông qua cuộc vận động này cũng là khích lệ doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để vươn lên đứng vững trong cơ chế hội nhập kinh tế quôc tế…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

 

Thu Hà (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực