Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Thứ tư, 13/03/2019 14:49
(ĐCSVN) – Hưởng ứng chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 13/3 tại Hà Nội.

Trực tiếp tham gia đối thoại với sinh viên là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam Lê Quốc Phong; bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women cùng hơn 500 sinh viên đến từ các trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của sinh viên Trần Thị An Duyên, Đại học Luật Hà Nội về kết quả 10 năm gia nhập công ước CEDAW (Công ước quốc tế loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định tiềm năng và vị thế của phụ nữ Việt Nam đang ngày càng tốt lên. Và để hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiều dự án đã triển khai thiết lập, các mô hình hay được nhân rộng và duy trì hiệu quả góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.

Tiêu biểu như: Dự án phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng, mô hình Câu lạc bộ “Cha mẹ học sinh phòng, chống bạo lực gia đình”, “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”… đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân cả nước.

“Không có nhiều quốc gia mà hoạt động, biện pháp thực hiện bình đẳng giới được đưa thành chương trình hoạt động cụ thể ở từng tỉnh, thành, địa phương và đạt được nhiều thành tựu như ở Việt Nam”, bà Hà nói.

Về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội LHPN Việt Nam. Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Quán triệt tinh thần Đại hội XII của Đảng: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng” thì tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên.

Từ 3% ở Quốc hội khóa I tăng lên 24,4% ở khóa VIII (2011 - 2016) và tỷ lệ này là 26,72% với 133 nữ đại biểu Quốc hội trên tổng số 496 đại biểu ở khóa XIV (2016 - 2021). Hay trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nhiều địa phương tỷ lệ phụ nữ trúng cử vượt dự kiến như: đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt 43%; quận Cầu Giấy (Hà Nội), tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt gần 45%.


Các đại biểu tham gia đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Ảnh: Minh Châu

Bên cạnh thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị thì bình đẳng giới trong lao động cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động chiếm 48,4% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến 73% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức trung bình thế giới (49%), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (59%) và nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (39%).

Thêm vào đó, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ở nước ta đạt trên 31,6%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á cũng là thành quả rất đáng ghi nhận. Nữ tri thức, đội ngũ nữ phó giáo sư tăng 2,6 lần…

Đặt vấn đề hiện nay, tỷ lệ nữ sinh viên trong trường các trường đại học khá đông, có nhiều trường chiếm hơn 50% nhưng càng học lên cao thì tỷ lệ nữ càng thấp, sinh viên Trần Hữu Vinh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đặt câu hỏi có rào cản nào cản trở phụ nữ vươn lên trong học tập và nghiên cứu? Và cần làm gì để hỗ trợ nữ sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học?

Giải đáp câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, tỷ lệ nữ sinh gần như tương đương thậm chí cao hơn một chút so với nam giới nhưng càng lên cao tỷ lệ nữ càng thấp. Ở những trường có đông sinh viên nam như: Bách khoa, sinh viên nữ đã tăng lên khoảng 25%; Đại học Khoa học tự nhiên nữ chiếm 61%... tỷ lệ nữ thủ khoa nhiều nơi còn hơn nam tuy vậy, sinh viên nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản. Rào cản đầu tiên là định kiến giới tồn tại khá lâu. Trong nhiều gia đình chọn đầu tư cho nam hay nữ, chắc chắn chọn đầu tư cho nam. Thời gian phụ nữ giành cho gia đình vẫn còn là rào cản. Nếu phụ nữ được chia sẻ việc gia đình thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để cống hiến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mỗi ngày một phụ nữ giành 175 phút cho công việc gia đình, nhiều hơn nam giới 70 phút. Trung bình một phụ nữ mất 5-8 năm sinh con và nuôi con nhỏ; các dịch vụ xã hội hỗ trợ để phát triển con người nói chung: nhà trẻ, đưa đón con… chưa thực sự phát triển hỗ trợ phụ nữ.

Rào cản nữa là cơ chế chính sách. Nói không phân biệt, nhưng nếu nữ nghỉ hưu sớm hơn nam thì tuổi đi học, bổ nhiệm của nữ sẽ bị hạn chế hơn nam. Không phân biệt nhưng rõ ràng cơ hội không có nhiều cho phụ nữ. Lý do nữa là từ bản thân mỗi phụ nữ, từng học rất giỏi nhưng rồi vì gia đình, con cái đã không vượt qua được, không đủ quyết tâm, thu xếp thời gian để phấn đấu cao hơn trong học tập, nghiên cứu, công việc, bà Hà chỉ rõ.

Chia sẻ về một số kết quả của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Lê Quốc Phong khẳng định tổ chức Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam luôn coi việc tham gia đảm bảo bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm. Trong các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội đều hướng tới tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò của các nữ đoàn viên thanh niên, hỗ trợ nữ thanh niên trên nhiều vùng miền trên cả nước, nhất là các trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa; chủ động phối hợp với các tổ chức như Hội LHPN Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Trong nhiều giải thưởng của tổ chức Đoàn, Hội đã có những giải thưởng dành riêng cho đối tượng nữ và thành tích của nhiều ứng viên nữ không hề thua kém các bạn nam, thậm chí xuất sắc hơn.


Sinh viên bày tỏ mong muốn về bình đẳng giới - Ảnh: Minh Châu

Trả lời câu hỏi của nữ thanh niên khuyết tật Nguyễn Thị Hồng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định, các bạn trẻ, sinh viên khuyết tật là đối tượng tổ chức Đoàn, Hội quan tâm. Theo đó, có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ và tư vấn trang bị kỹ năng, tâm lý giúp thanh niên khuyết tật tự tin hoà nhập với cộng đồng.

“Chúng tôi luôn xem các bạn như những người bình thường và rất trân trọng mời gọi các bạn tham gia hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội. Chúng tôi cũng có hoạt động riêng dành cho sinh viên khuyết tật, tôn vinh sự cố gắng, thành tích của các bạn trong cuộc sống. Những chương trình này không chỉ đang giúp cho các bạn mà cũng chính là giúp chúng tôi, giúp những người trẻ may mắn hơn các bạn có thêm nghị lực nỗ lực hơn trong cuộc sống”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ.

Đặt câu hỏi với bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women: độ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật giữa nam (60) và nữ (55) đã hợp lý hay chưa? Phù hợp với Luật Bình đẳng giới hay tình hình thực tế không? Đại diện UN Women cho rằng, khi nói về bình đẳng giới cần nói về sự tham gia đầy đủ của nữ vào thị trường lao động. Việc này không chỉ mang cơ hội bình đẳng cho phụ nữ mà còn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, cân bằng giới trong thị trường lao động thì có cân bằng tuổi nghỉ hưu. Hiện Việt Nam, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ có sự chênh lệch 5 năm mang tới nhiều bất lợi cho nữ. Phải nghỉ hưu sớm hơn 5 năm sẽ ảnh hưởng tới việc đào tạo, thăng tiến của phụ nữ; thu nhập ít hơn nam giới... Tuy nhiên, Việt Nam đã có những bước đầu thay đổi tạo điều kiện để nữ giới có cơ hội cống hiến và thu hẹp khoảng cách cân bằng giới.

Trong khuôn khổ chương trình còn có phần tranh biện giữa các sinh viên về một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay là an toàn cho phụ nữ nơi công cộng; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực