Hà Nội: Qua các hoạt động giám sát, đã kiến nghị thu hồi 252.055m2 đất và trên 15 tỷ đồng

Thứ sáu, 12/10/2018 15:30
(ĐCSVN) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, thông qua các hoạt động giám sát, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thành phố Hà Nội đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 252.055m2 đất, 15.151 triệu đồng.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA)

Ngày 12/10, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (khoá XI) về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp Hà Nội đã nghiêm túc triển khai thực hiện và ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát nhằm phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực; phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các quyết sách của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch, phối hợp chỉ đạo, thực hiện giám sát, phản biện xã hội và góp ý nhiều nội dung thiết thực về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…Cụ thể, 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã tham gia 148 cuộc giám sát và khảo sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, các ban Quốc hội…; MTTQ cấp quận, huyện, thị xã đã thành lập 609 đoàn giám sát, giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản là 1.667 cuộc và phối hợp tham gia giám sát 3.130 cuộc; MTTQ cấp xã đã tổ chức thành lập 7.190 đoàn giám sát, giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản là 7.440 cuộc và phối hợp giám sát 19.581 cuộc.

Sau giám sát, MTTQ các cấp đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát, qua đó đã tiếp thu, giải quyết thực hiện nhiều nội dung như giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng mức hài lòng người dân, cách làm công khai dân chủ, mở rộng thực hiện cơ chế đặc thù...

Cùng với đó, các Ban Thanh tra nhân dân (TTND) đã tổ chức giám sát 32.402 cuộc, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (BGSĐTCCĐ) trên địa bàn thành phố đã thực hiện gần 25.000 cuộc giám sát đối với các công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn. Thông qua các hoạt động giám sát, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 252.055m2 đất, 15.151 triệu đồng.

Hoạt động phản biện xã hội cũng thu được những hiệu quả nhất định. Tính đến nay, MTTQ thành phố phối hợp với thường trực HĐND, UBND thành phố tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội; MTTQ cấp quận, huyện, thị xã tổ chức 204 cuộc, gửi văn bản góp ý đối với dự thảo là gần 500 cuộc; MTTQ cấp xã, phường, thị trấn tổ chức gần 2.400 cuộc, gửi văn bản góp ý đối với dự thảo gần 2.600 cuộc với những nội dung liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới...

Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với các tầng lớp nhân dân được chú trọng. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân, người lao động, chủ doanh nghiệp. Các cấp ủy đảng, chính quyền cấp quận, huyện, thị xã tổ chức 177 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn 1.716 cuộc,… Qua đó tiếp thu ý kiến và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của người lao động, kiến nghị của nhân dân trên các lĩnh vực ở địa phương, cơ sở…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc  thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa đầy đủ, nhất là cấp xã, do đó chưa tạo điều kiện cho các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Cùng với đó việc cung cấp thông tin về các chương trình, dự án của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Mặc khác năng lực thực hiện giám sát, phản biện xã hội của nhiều cán bộ Mặt trận các cấp còn lúng túng dẫn đến hiệu quả chưa cao…

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất, trong thời gian tới, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung của Quyết định số 217-QĐ/TW; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI). Thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng về quy trình, phương pháp giám sát nhân dân cho cán bộ MTTQ và các đoàn thể để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động để có sự phối hợp đồng bộ. Phát huy vai trò của các vị Ủy ban mặt trận, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo, các chuyên gia hội đồng tư vấn tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực