Hỗ trợ thanh niên nông thôn vượt khó vươn lên

Thứ hai, 11/01/2010 15:08

Thanh niên nông thôn (TNNT) chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng thanh niên nước ta. Tuy nhiên, hiện nay TNNT đang gặp rất nhiều khó khăn trong lập thân, lập nghiệp. Có thể tạm phân chia TNNT thành hai lực lượng: Một là số thanh niên (TN) rời quê hương ra thành thị hoặc khu vực khác để lao động; hai là số TN đang quyết tâm bám trụ trên chính mảnh đất quê hương mình lập thân, lập nghiệp.

 

Bí thư chi đoàn thôn Ðiền Tiến huyện Bá Thước (Thanh Hóa) Lê Thế Ước (trái) vượt khó khăn, lập nghiệp thành công ở quê nhà và tạo việc làm thu nhập ổn định cho các bạn trẻ khác.

Tìm đến với thanh niên đi làm ăn xa

Hiện tượng TNNT đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Mỗi TN khi quyết định rời quê hương đi làm ăn nơi xa có nghĩa là họ không muốn tiếp tục nghề nông "chân lấm tay bùn", thu nhập thấp, nhiều rủi ro, mà muốn được thử sức ở môi trường đô thị, hoặc theo lời mời gọi của bạn bè, anh em. Vấn đề đặt ra cho tổ chức Ðoàn thanh niên ở những địa phương có đông TN đi làm ăn xa là cần theo dõi, quản lý tốt sự di biến động của đoàn viên, thanh niên; biết rõ, nắm chắc từng trường hợp đi làm ăn xa, xem TN đó đi đâu, làm gì? Có cần giúp đỡ gì không?

Quan trọng hơn, tổ chức Ðoàn, cụ thể là cán bộ Ðoàn, hội cơ sở phải có khả năng nắm bắt, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn để cung cấp cho TN của địa phương mình trước khi họ đi làm ăn xa. Ðó phải là những thông tin rất sát thực, như: Nơi nào có điều kiện tốt để TN có thể tới học nghề? Khu công nghiệp hay khu chế xuất nào đang cần TN có tay nghề hoặc phù hợp nguyện vọng của TN địa phương mình; nơi TN quê mình định tới làm việc có những thuận lợi, khó khăn, thách thức nào? Việc này đòi hỏi mỗi cơ sở đoàn, mỗi người cán bộ đoàn phải thường xuyên cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như: ti-vi, đài, báo, in-tơ-nét, thông tin truyền miệng, đồng thời phải biết chọn lọc, xử lý thông tin.

Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn cần tăng cường giao lưu, trao đổi trực tiếp như mời các TN đã đi làm ăn xa thành công về gặp mặt, trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm, cung cấp thông tin cho những TN chuẩn bị lên đường hoặc có nhu cầu đi làm ăn xa. Hơn nữa, có thể lập sổ theo dõi, thiết kế các kênh liên lạc thường xuyên qua điện thoại, in-tơ-nét với thanh niên đi xa để thường xuyên nắm bắt tình hình sinh hoạt, lao động của TN địa phương mình ở nơi xa, từ đó chia sẻ những khó khăn vất vả, chia sẻ thông tin hoặc có những lời khuyên đúng lúc.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, những vấn đề này chưa được các cấp bộ đoàn cả nước quan tâm triển khai do thiếu nguồn lực, thiếu cán bộ và thiếu cả quyết tâm vượt khó.

Hỗ trợ thanh niên ở lại lập nghiệp

Lực lượng còn lại là TN đang bám trụ tại quê hương, trực tiếp làm nghề nông hoặc chủ động tìm kiếm việc làm, thu nhập tại chỗ. Với lực lượng TN này, qua tìm hiểu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy họ cần nhất là được tiếp cận và tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông sản phẩm; được tiếp cận với các nguồn vốn, như: Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội... Và vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất là tìm kiếm đầu ra của sản phẩm.

Nhiều năm qua, thông qua việc khai thác các chương trình phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Việt Nam..., các cấp bộ Ðoàn đã sáng tạo nhiều hình thức chuyển giao tiến bộ KHKT để từ đó giúp TN tiếp thu, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Việc sử dụng vốn Quỹ quốc gia về việc làm đang triển khai hiệu quả. Mặc dù tổng nguồn vốn ít, cả nước hiện chỉ có hơn 53 tỷ đồng, nhưng các dự án do nguồn vốn 120 hỗ trợ đang được thực hiện tốt, tạo ra hàng vạn việc làm mới mỗi năm với thu nhập ổn định cho TNNT. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn đã có dư nợ lên tới hơn 3.500 tỷ đồng, giúp cho hàng vạn hộ thanh niên xóa nghèo. Phong trào trợ vốn giúp nhau lập nghiệp (còn gọi là góp vốn xoay vòng) được các cấp bộ Ðoàn tập trung chỉ đạo đã huy động được hơn 500 tỷ đồng, giúp hàng chục nghìn thanh niên, hộ gia đình trẻ phát triển sản xuất, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, phong trào giúp nhau về vật tư sản xuất, cây, con giống trong TNNT tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt các tỉnh ở phía nam.

Thông qua hoạt động hỗ trợ, tổ chức cho thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều TN lao động sáng tạo, lập nghiệp giỏi có sức lôi cuốn ÐVTN, tạo ra những "đầu tàu" giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. T.Ư Ðoàn và các cấp bộ Ðoàn cũng rất quan tâm việc tuyên dương, cổ vũ những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, bằng nhiều hình thức, như: Liên hoan thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội nghị tuyên dương thanh niên tiêu biểu ngành thủy sản, Ðại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, tổ chức hằng năm Lễ trao Giải thưởng Lương Ðịnh Của cho thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi.

Từ tháng 9-2008, sau khi BCH T.Ư Ðảng khóa X ban hành Nghị quyết 26 về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Ban Thường vụ T.Ư Ðoàn đã xây dựng và ban hành Kết luận 127 về "Nâng cao chất lượng hoạt động Ðoàn trên địa bàn nông thôn", chỉ đạo và định hướng việc mở rộng và tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác phát triển kinh tế trên địa bàn nông thôn, trong TN nông thôn. Tập trung thành lập và nhân rộng các loại hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, mô hình trang trại trẻ... nhằm tăng cường gắn kết TN trên địa bàn, hướng vào các vấn đề TN quan tâm nhất hiện nay là phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho TN, tạo động lực thiết thực cho TN tham gia hoạt động đoàn, từ đó tăng cường thu hút tập hợp TN. Quyết tâm của các cấp bộ Ðoàn đó là tạo ra những liên kết chặt chẽ trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến, dịch vụ, thương mại của TN, tạo ra những gắn kết ngày càng chặt chẽ về lợi ích để những TN nông thôn giàu ý chí và khát vọng vươn lên, hỗ trợ giúp đỡ nhau, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực