Hoà Bình: Nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

Thứ ba, 21/03/2017 15:30
(ĐCSVN) - Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã tích cực triển khai và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”.

Với những hình thức phong phú, thiết thực, các mô hình này đã góp phần quan trọng tạo dựng sự đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phát triển sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương…

Phối hợp tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình). Ảnh: PA

Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chủ động ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương về công tác dân vận; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý, thiết lập đường dây nóng, hòm thư góp ý và lắp đặt hệ thống camera giám sát kịp thời giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều văn bản, chỉ thị, kết luận của trên liên quan đến công tác dân vận cũng được các địa phương quán triệt và thực hiện tốt. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được duy trì, phát triển và nhân rộng, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giải quyết được khó khăn, tồn đọng, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bám sát tình hình, đặc điểm của địa bàn, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại các huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình đã được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội. 

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo, cần cù của nhân dân trong lao động sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều biện pháp khuyến khích, ưu đãi sản xuất, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như: “Chăn nuôi bò sữa, sản xuất nông sản hữu cơ” ở huyện Lương Sơn; “Du lịch cộng đồng” tại huyện Mai Châu; “Trồng cà gai leo, sản xuất chổi chít, gạch nung chất lượng cao” ở huyện Kỳ Sơn... Các mô hình này đã thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cũng nhờ phong trào “Dân vận khéo”, cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân đã chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định, quy ước của địa phương.

Bên cạnh đó, các mô hình “Dân vận khéo” còn góp phần quan trọng giúp các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Lực lượng công an tỉnh đã duy trì 11 mô hình, trong đó có 5 mô hình mới. Tiêu biểu như: “Xây dựng cơ quan an toàn về an ninh trật tự”, “Cụm quân dân đoàn kết”, “Tổ liên gia tự quản”, “Nhà trường an toàn không có ma túy”…góp phần giảm thiểu tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” tiếp tục duy trì và nhân rộng 97 mô hình tiêu biểu, bền vững…

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xã hội đã vận động cán bộ, đoàn viên hội viên, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định, quy ước của địa phương, giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vụ việc bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở. Điển hình là các mô hình như: “Vận động đồng bào Mông thực hiện tốt việc tang theo nếp sống văn hóa mới” ở huyện Mai Châu; “Giữ gìn phát huy bản sắc dân ca dân tộc Mường” ở huyện Lạc Thủy; “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; “Gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ tỉnh, “Nhà Đại đoàn kết” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, đô thị văn minh; giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh.

Phát huy hơn nữa hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”

Là huyện vùng cao với nhiều khó khăn nhất ở Hòa Bình song nhiều năm qua, Mai Châu cũng được biết đến như là một trong những “điểm sáng” về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện Mai Châu với nhiều điển hình, mô hình tiêu biểu đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về công tác dân vận. 

Thực hiện Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề của Thường vụ Huyện uỷ, các xã, thị trấn trong huyện đã tập trung lựa chọn triển khai và nhân rộng những mô hình hiệu quả có đóng góp quan trọng, tiêu biểu cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cụ thể như trong lĩnh vực kinh tế là các mô hình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại xã Mai Hạ, Noong Luông, Vạn Mai, Nà Phòn, Mai Hịch; mô hình “Chăn nuôi trâu, bò sinh sản” của chi hội Cựu chiến binh xóm Pùng (xã Bao La), làm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại bản Văn (thị trấn Mai Châu), sản xuất gạch không nung ở xóm Tiền Phong (xã Mai Hạ)...

Đến hết năm 2016, các cơ quan, đơn vị của huyện Mai Châu đang duy trì thường xuyên 223 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó có 88 mô hình về phát triển kinh tế, 41 mô hình về văn hóa xã hội, 48 mô hình về an ninh quốc phòng và 46 mô hình xây dựng hệ thống. Nhiều mô hình có hiệu quả tích cực đã được Ban Dân vận huyện rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng để tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả, đồng thời nhân rộng ra các xã, thị trấn khác có điều kiện phù hợp.

Cùng với huyện Mai Châu, các huyện, thành phố còn lại của tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện khá tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 1.901 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó, có 761 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 508 mô hình về hoạt động xã hội, 287 mô hình về an ninh quốc phòng và 345 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Đã nhân rộng 243 mô hình ở cấp cơ sở và cấp huyện, 02 mô hình ở cấp tỉnh. Các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên nhiều địa bàn trong tỉnh; động viên cộng đồng các dân tộc nỗ lực, tích cực xây dựng quê hương.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy rõ nét vai trò trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thông qua những mô hình “Dân vận khéo”, các cấp, các ngành đã quan tâm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến công giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới. Tiêu biểu như mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, góp công” ở huyện Mai Châu, Kỳ Sơn, “Hiến kế, góp công xây dựng nông thôn mới” của Hội Cựu chiến binh các cấp...

“Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định như việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong các doanh nghiệp, tín đồ tôn giáo, người có uy tín và nhân dân trực tiếp lao động sản xuất còn ít, thiếu tính bền vững…, song các mô hình “Dân vận khéo” ở Hòa Bình đã có những hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Hòa Bình chia sẻ.

Với mục tiêu phát huy hơn nữa hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Đồng thời, tập trung đổi mới, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả. Hướng công tác dân vận vào xây dựng nông thôn mới, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Đây là vấn đề quan trọng góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực