Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ ba

Thứ tư, 13/03/2019 20:12
(ĐCSVN) - Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ ba (khóa XII) đã được khai mạc vào chiều 13/3 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, trong thời gian 1,5 ngày, Hội nghị lần này sẽ cho ý kiến về: Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác tài chính công đoàn (thay thế Nghị quyết 9c/NQ-BCH và Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ); đề án thực hiện thí điểm mô hình chuỗi hoạt động kinh tế; Quy định chức danh tiêu chuẩn các chức danh cán bộ CĐ các cấp; tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, năm 2019, nhiệm kỳ 2018-2023.

Quang cảnh Hội nghị

“Những nội dung của Hội nghị có liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra”, đồng chí Bùi Văn Cường nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định kết quả phát triển toàn diện của đất nước thời gian qua có sự đóng góp của những người lao động, của tổ chức Công đoàn các cấp. Những chương trình phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đều có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành. Các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của tổ chức công đoàn đang từng bước được tháo gỡ.

Trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn cần phối hợp tốt với Chính phủ, các bộ ngành trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến về Luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi), đề án đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hội nhập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Công đoàn Việt Nam cần có bước đột phá trong phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân. Phó Thủ tướng cho rằng nếu chính quyền các cấp quan tâm sát tới người lao động, chủ doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp thì nơi có tổ chức công đoàn sẽ hoạt động tốt hơn, nơi chưa có thì thành lập thuận lợi hơn. Người lao động thấy được lợi ích khi tham gia công đoàn.

Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ hơn với Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác hoà giải giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Đối với hoạt động của các công đoàn viên chức, Phó Thủ tướng mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ: “Chúng ta nói rất nhiều về thực hiện dân chủ trong các cơ sở giáo dục, xây dựng môi trường lành mạnh, văn hoá nhưng Công đoàn giáo dục chưa có tiếng nói mạnh mẽ. Khi xảy ra một vụ bạo hành bác sỹ thì Bộ Y tế lên tiếng nhưng chưa thấy tiếng nói của Công đoàn ngành Y tế, Tổng Liên đoàn. Chúng ta cần tạo “sức ép” để các công đoàn viên chức tích cực tham gia xây dựng văn hoá công sở, đạo đức, phong cách, tác phong công chức, viên chức”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Phan Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực