Khơi thông nguồn lực tri thức để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững

Thứ sáu, 24/06/2016 10:11
(ĐCSVN) – Xác định được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển Thủ đô nhiệm kỳ 2016 – 2020, Thành phố Hà Nội đang triển khai các giải pháp để nâng cao khả năng liên kết giữa các trường với các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố, khơi thông nguồn lực tri thức để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

 

Là trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục lớn của cả nước, có lẽ ít địa phương
 có được lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao như ở Hà Nội. (Ảnh:TH)

Khơi thông nguồn lực trí thức

Hà Nội đang trong quá trình phát triển, hòa mình vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của cả nước cũng như xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ của thế giới. Trong hành trình này, xác định được tầm quan trọng, mối quan hệ đặc biệt giữa vấn đề đào tạo nguồn nhân lực với các mục tiêu phát triển của thành phố, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nêu rõ vấn đề này.

Cụ thể, trong 5 nhiệm vụ chủ yếu thì nhiệm vụ đầu tiên là “Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tri thức…”. Cùng với đó là “... Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô”.

Đáng chú ý, trong 3 khâu đột phá có một khâu là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới”.

Những mục tiêu, giải pháp nêu trên cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những nhiệm vụ, yêu cầu của Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.

Là trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục lớn của cả nước, có lẽ ít địa phương nào có được lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao như ở Hà Nội. Đội ngũ trí thức hùng hậu với hơn 1.000 giáo sư và phó giáo sư, 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.000 thạc sĩ, gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và trình độ tương đương… Lợi thế đặc biệt này, cộng với hệ thống các viện, học viện, trường đại học, cao đẳng rộng khắp trên địa bàn thành phố thật sự là một nguồn “tài sản” quý giá trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc phát triển Thủ đô và đất nước cũng như đóng góp trực tiếp cho các hoạt động xây dựng, kiến tạo thành phố trong giai đoạn mới.

Phát huy lợi thế này, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với hơn 100 đại biểu là bí thư đảng ủy, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Có thể xem như đây là một “Hội nghị Diên Hồng” nằm trong chủ trương lớn, nhận thức lớn, tình cảm lớn của thành phố nhằm thu hút, quy tụ giới trí thức hiến kế cho mục tiêu chung xây dựng Thủ đô.

Với tinh thần cầu thị, chủ động, tại buổi gặp mặt hơn 100 bí thư đảng ủy, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo UBND thành phố đã thông tin về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ này, cũng như những công việc cụ thể mà thành phố đang tiến hành trong quản lý đô thị… Đây chính là những “đề bài" lãnh đạo Hà Nội đề ra với mong muốn, mỗi trường hoặc một nhóm trường đại học, cao đẳng sẽ đảm nhận một số đề án, dự án cụ thể trong từng lĩnh vực, mang tính thực tiễn cao để có thể ứng dụng hiệu quả.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa và tri thức sẽ là nền tảng quan trọng giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thành phố sẽ tiếp tục có những đổi mới tích cực hơn, chủ động hơn trong công tác phối hợp với các Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ nguồn chất xám và kinh nghiệm của các đồng chí, phục vụ xây dựng, phát triển Thủ đô”.

Sẵn sàng “chung tay” vì sự phát triển Thủ đô

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã thẳng thắn chia sẻ những ý kiến tâm huyết xây dựng Thủ đô. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong những năm qua, tại Hà Nội, nhiều khu đô thị hiện đại đã được xây dựng, tuy nhiên, qua 30 năm đổi mới, Hà Nội vẫn chưa có thêm trường đại học mới nào đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đẹp. Đây là điều Thành phố cần nhìn nhận, suy ngẫm và tìm hướng đi. Hay như cách thức đầu tư cho khoa học cũng vậy, cần thay đổi tư duy đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học phải có chiến lược dài hơi, kiên nhẫn, chứ không thể “đầu năm đầu tư mà cuối năm yêu cầu cho kết quả”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nói. Đồng thời cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn và sẵn sàng phối hợp với Thành phố trong việc nghiên cứu, mở các chuyên ngành đào tạo mới để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ngành dịch vụ chất lượng cao.

Rất nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đã được các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
 các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội chia sẻ để góp phần phát triển Thủ đô. (Ảnh:TH)

Dưới góc độ chuyên môn của mình về quản lý đô thị, PGS. TS Phạm Duy Hoà, Bí thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng đã nêu những mặt chưa làm được trong quản lý, quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện nay như hiệu quả khai thác các công trình hạ tầng làm ra còn thấp, không xứng với quy mô… Đáng chú ý là thành phố cứ mưa to là ngập mà chủ yếu ngập ở các khu đô thị mới và các vùng mở rộng... PGS.TS Phạm Duy Hòa cho rằng phải thay đổi căn bản tư duy về quy hoạch đô thị mới có thể giải quyết được những bất cập trên. PGS.TS Phạm Duy Hòa cũng đưa ra hàng loạt đề xuất để giải quyết, trong đó Trường Đại học Xây dựng có thể tham gia cùng Thành phố, từ tư vấn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế quản lý đến công nghệ cấp nước, thoát nước, cảnh quan, cây xanh; áp dụng triển khai dự án điểm mô hình đô thị nhỏ gọn kết hợp với xây dựng nhà ở xã hội, mô hình đô thị nhỏ gọn kết hợp xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội…

Cũng liên quan đến vấn đề đô thị, PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp với Hà Nội xây dựng xa lộ thông tin thay vì xây dựng xa lộ giao thông như hiện nay. Bởi vì khai thác dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm tải việc đi lại của người dân, từ đó giảm ách tắc giao thông. Cùng với đó, Thành phố phải quyết liệt giành lại vỉa hè, giao thông tĩnh và thực hiện kết nối đồng bộ với giao thông công cộng để đảm bảo sự thuận lợi, tiện ích, từ đó giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng nhận được nhiều ý kiến tham gia của Bí thư, Hiệu trưởng các Trường Đại học. Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, suy thoái kinh tế thì có thể phục hồi sau 5 đến 7 năm nhưng nếu đạo đức, lối sống xã hội bị xói mòn thì mất cả trăm năm cũng chưa chắc đã phục hồi được. Do đó, Hà Nội nên chú trọng giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh, sinh viên. Theo GS.TS Minh, với số lượng sinh viên các tỉnh, thành khác về Hà Nội rất đông, việc giáo dục nếp sống văn minh đô thị phải đặt ra đầu tiên trước khi đề cập đến các vấn đề khác. GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẵn sàng tham gia cung cấp nguồn nhân lực, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp...

Còn theo PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đã đến lúc phải chú ý đến vấn đề quốc tế hóa các trường đại học, cao đẳng của Hà Nội phù hợp với xu thế hội nhập. Chúng ta không chỉ đưa sinh viên đi du học, mà phải tính đến việc làm sao để thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại Việt Nam, mà không đâu thuận lợi hơn Hà Nội. PGS.TS Phạm Quang Minh mạnh dạn đề nghị, Hà Nội cấp học bổng để thu hút các nhà khoa học và sinh viên giỏi từ các nước đến học tại Hà Nội, thay vì tư duy chỉ đưa người Việt Nam ra nước ngoài như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề y tế, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, lãnh đạo nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố hiện nay đang là cán bộ của Trường. Nếu Thành phố sử dụng các giáo sư, phó giáo sư của trường để có đội ngũ nhân lực mạnh, thực hiện kỹ thuật tốt, cùng với sự đầu tư của Thành phố thì chắc chắc sẽ nâng vị thế các bệnh viện của Hà Nội. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cũng nêu cảm giác của bản thân khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao thì rất phấn chấn vì được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng càng xuống cấp dưới thì càng nản hơn, khó khăn hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đơn vị sẵn sàng nhận triển khai dự án chuyển giao công nghệ chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân Thủ đô; sẵn sang khảo sát thực trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân Hà Nội một cách bền vững...

Đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tham dự buổi đối thoại đều khẳng định mong muốn hợp tác với Hà Nội trong việc đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trong các lĩnh vực cũng như tham gia hợp tác, nghiên cứu, phản biện các chương trình, đề án để xây dựng và phát triển Thủ đô một cách bền vững, toàn diện, có trách nhiệm.

Đáp lại sự “chung tay” của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cam kết sẽ hành động quyết liệt hơn để nâng cao khả năng liên kết giữa các trường với các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố qua chương trình khởi nghiệp, vườn ươm ý tưởng sáng tạo. Thành phố nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử minh bạch, thân thiện và hiệu quả, tạo những đột phá về cơ sở hạ tầng, bảo đảm môi trường an ninh chính trị ổn định… tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều nhất các tiềm năng chất xám, đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực