Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

Thứ tư, 19/02/2020 15:28
(ĐCSVN) – Các đại biểu nhấn mạnh, Quốc hội phải chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hay chưa thông qua các dự án Luật do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trình với tư cách là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH) 

Sáng 19/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Hạn chế trong việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, qua 3 năm triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL (Luật năm 2015), việc thực hiện quy định của Luật với quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL được quy định chặt chẽ, khoa học hơn so với trước đây, chất lượng VBQPPL đã có chuyển biến tích cực, nhiều văn bản được đề xuất ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được nâng cao, góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua đã gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, có những nội dung quy định liên quan đến sự phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp; quy định về trị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác góp ý, phản biện xã hội và xây dưng các VBQPPL còn chưa thật sự đầy đủ, còn chung chung, chưa đủ cụ thể để thực hiện, quy định chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan hoặc thiếu biện pháp đảm bảo thực hiện.

Cùng với đó là còn một số hạn chế trong việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL; trong quá trình thực hiện quy định về quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL (xây dựng, đánh giá tác động, thẩm định, thông qua chính sách này) nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng phạm vi các loại VBQPPL cần phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015 là quá rộng; việc soạn thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật năm 2015 là chưa phù hợp với thực tiễn ban hành thông tư, cũng như một số văn bản bản khác…

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL sửa 55 điều. Trong đó, quy định cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL; khẳng định rõ sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành pháp luật ở nước ta, Luật Ban hành VBQPPL cần bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng” trong xây dựng, ban hành VBQPPL. Đồng thời, cần bổ sung nội dung cụ thể để bảo đảm nguyên tắc này trong một số điều khoản của Luật.

Đáng chú ý, Dự thảo xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh trong quy trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh. Việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Quy trình thủ tục phản biện xã hội đối với VBQPPL phải như một trình tự bắt buộc

Góp ý tại hội nghị phản biện, các đại biểu cho rằng, trong Luật ban hành VBQPPL (sửa đổi) phải thể hiện Chính phủ chịu trách nhiệm chính về chính sách đề ra trong dự thảo Luật trình Quốc hội. Trong trường hợp chính sách trong dự án Luật qua thẩm tra và thảo luận tại Quốc hội không được các đại biểu đồng tình thì Chính phủ phải giải trình, thuyết phục và bảo vệ chính sách thể hiện trong dự án trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Nếu cuối cùng Quốc hội vẫn không đồng tình thì Chính phủ và Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích, phản biện và giải trình để tìm ra một phương án chính sách mới phù hợp nhất có thể để đưa trình Quốc hội tại các kỳ họp sau. Đồng thời Quốc hội phải chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hay chưa thông qua các dự án Luật do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trình với tư cách là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH) 

Đề cập đến nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL (Điều 5), TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội khóa 12,13 nêu lên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động xét xử, hoạt động thanh tra, hoạt đông giám sát đều có sự tham gia của nhân dân, MTTQ Việt Nam. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng VBQPPL là cần thiết, nhất là trong quá trình hiện nay mặc dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra cho ý kiến hoạt động ban hành chính sách, pháp luật vẫn đang tồn tại vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành.

Đề cập đến vai trò phản biện của MTTQ Việt Nam trong quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL, TS Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc quy định trong Luật ban hành VBQPPL quy trình thủ tục phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam như một trình tự bắt buộc như hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội là một yêu cầu tất yếu khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam do hiến định, bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn với những VBQPPL ban hành kiểu “trên giời” là một yêu cầu cần thiết cần phải được đặt ra thực hiện.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Quyền, PGS Bùi Xuân Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật sửa đổi phải thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013, phải nêu rõ vai trò của Mặt trận trong quá trình tham gia phản biện đối với các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành. Bên cạnh đó phải nêu rõ việc yêu cầu các cơ quan tiếp thu có văn bản giải trình việc tiếp thu những ý kiến góp ý của Mặt trận đối với các văn bản quy phạm pháp luật.

“Việc sửa đổi cũng phải nêu rõ vai trò của Chính phủ trong ban hành chính sách và thực hiện quyền hành pháp. Đối với các vấn đề phát sinh, phải đề cập đến vai trò của Chính phủ trong việc nêu vấn đề và xem xét, giải quyết những vấn đề đó”, PGS Bùi Xuân Đức nhấn mạnh.

Nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc tham gia vào xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, cho rằng, pháp luật phải thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Quyền tham gia xây dựng pháp luật của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, trong Luật trưng cầu dân ý, luật bình đẳng giới… Theo đó, nhân dân có quyền tham gia vào xây dựng pháp luật thông qua ý kiến trực tiếp hoặc thông qua đại biểu Quốc hội, các tổ chức đại diện. Trong thực tế, chúng ta đã có tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân thông qua cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tuy nhiên cũng có những Luật người dân không có ý kiến nào. Do đó, cần làm sao để thực chất hơn, người dân quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp hơn. Do đó, việc tập hợp ý kiến nhân dân thông qua ý kiến của cử tri nhưng việc tiếp thu cần được chú trọng và bài bản hơn.

Từ thực tiễn tại MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 không có bất cứ một quy định nào về thẩm quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hạn chế này trên thực tế cũng đã ảnh hưởng rất bất lợi đến việc thực hiện chức năng phản biện xã hội đối với các dự án VBQPPL của MTTQ Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh đó, một số văn bản góp ý gửi tới Mặt trận thời gian quá gấp; các văn bản góp ý liên quan đến nhiều lĩnh vực; tài liệu gửi đến chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu góp ý; đồng thời, việc tiếp thu và phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận còn chưa rõ. Chính vì vậy cần làm rõ hình thức tiếp thu hiện nay đối với các văn bản góp ý và cơ quan tiếp thu cần có văn bản giải trình cụ thể nội dung góp ý…

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị trong Luật Ban hành VBQPPL cần bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch nhiều bên giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tùy từng trường hợp mà có thể có một, hai hoặc nhiều cơ quan nhà nước tham gia là các bên của Nghị quyết liên tịch với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng thời đề nghị bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đặc biệt, đối với những dự án Luật có tác động lớn đến quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân và xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau thì phải lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hoặc các tổ chức chính trị - xã hội trước khi thông qua và cần quy định rõ quy trình, thời gian, hồ sơ gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam./.

Đinh Văn Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực