Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn

Thứ sáu, 15/01/2016 15:30
(ĐCSVN) – Sáng 15/1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (23/01/1916 – 23/01/2016). Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tới dự.

Cùng dự còn có các đồng chí: Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lò Văn Giàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Bích Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương và đại diện gia đình đồng chí Trần Quốc Hoàn.

Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
tặng quà tri ân gia đình đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ảnh: PC

Đọc diễn văn ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ: Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Trước năm 1930, sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, đồng chí đã tham gia tổ chức học sinh của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và sau đó thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Bo-Neng ở Lào, từng bước giác ngộ và tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Tháng 3/1934, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, chúng đưa đồng chí về Hà Tĩnh quản thúc. Năm 1936, đồng chí trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, công tác ở Báo Bạn Dân, Thời Thế, Hà Thành thời báo và tham gia các hoạt động công khai của Mặt trận dân chủ.

Năm 1937-1939, theo chỉ thị của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Bị địch theo dõi, truy nã gắt gao, tháng 5/1940 đồng chí được Đảng bố trí rời Hà Nội và nhận công tác ở cơ quan in báo Giải phóng (sau đổi thành báo Cờ Giải phóng), phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy và phụ trách phong trào của 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Đầu năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần 2 và đưa về Hà Nội giam tại Hỏa Lò, bị kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc và lưu đầy tới nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí tham gia sinh hoạt tại chi bộ Nhà tù, được bầu làm Bí thư chi bộ, cùng chi ủy tổ chức thành công vượt ngục cho nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng chi ủy đã lãnh đạo giải phóng cho gần 200 tù chính trị và bảo vệ an toàn trên đường dời sang Nghĩa Lộ năm 1945 để tham gia đóng góp vào cao trào tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám thành công, ra tù đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Tháng 12/1946, đồng chí được cử làm phái viên của Trung ương ở Hà Nội. Năm 1947 là Bí thư Liên Khu uỷ II. Tháng 3/1948 là Bí thư Liên Khu uỷ X. Năm 1949-1952 là Bí thư Đặc Khu uỷ Hà Nội. Năm 1954, đồng chí kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 19/8/1952, Trung ương Đảng phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng sang phụ trách ngành Công an. Ngày 6/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 113-SL bổ nhiệm đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Từ tháng 02/1953, đồng chí làm Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Từ tháng 8/1953, đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Công an (cho tới năm 1981).

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1972, là Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Từ năm 1961 đến năm 1980, đồng chí tham gia Quân uỷ Trung ương, cuối năm 1980, được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và phân công phụ trách công tác dân vận, Mặt trận. Ngày 17/3/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Dân vận Trung ương.

Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương phân công làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương (là Trưởng Ban đầu tiên sau khi Ban Dân vận được Trung ương tái lập). Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI và VII.


Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương
đọc diễn văn kỷ niệm 100 ngày sinh Trần Quốc Hoàn - Ảnh: PC

Với 30 năm là Uỷ viên Trung ương Đảng, 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an và 5 năm giữ cương vị Trưởng ban Dân vận Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đem hết sức lực và trí tuệ của mình cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Đặc biệt là trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác dân vận của Đảng, đồng chí luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng để làm tốt công tác công an và công tác vận động quần chúng, chăm lo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn là một nhà cách mạng lão thành, tiền bối tiêu biểu, giàu lòng yêu nước, kiên định, kiên trì phụng sự lý tưởng cao cả của Đảng. Đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng; về tinh thần tự học tập, rèn luyện, phấn đấu; vừa học vừa tham gia công tác cách mạng; học suốt đời, lấy tổng kết kinh nghiệm xây dựng thành lý luận để chỉ đạo công tác thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất.

Qua hơn 50 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì Dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng.

Với 70 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng và cũng bằng ấy năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trần Quốc Hoàn là một trong những học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Với những công lao to lớn của đồng chí đối với cách mạng và dân tộc, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta và nhiều Huân, Huy chương khác. Do tuổi cao, sức yếu, ngày 05 tháng 9 năm 1986, đồng chí đã qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi.

Trong bài diễn văn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất, đạo đức cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn, chúng ta càng thấu hiểu, trân trọng, tự hào, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí và nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực