Lại bàn về tuyển chọn người tài

Thứ ba, 17/03/2020 18:35
(ĐCSVN) – Thông tin từ Đắk Lắk tuần qua cho biết sẽ tổ chức thí điểm tuyển chọn chức danh bí thư huyện ủy trước đại hội Đảng được nhiều người quan tâm, kỳ vọng. Đây được xem là việc làm có ý nghĩa thời sự lần đầu tiên trên cả nước tổ chức tuyển chọn bí thư huyện ủy theo cách này.

Ngã sáu trung tâm TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: ST)

Tìm người đức, tài luôn có tính thời sự

Nói về tư tưởng trọng người tài đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời đầy tâm huyết trong một văn bản “Tìm người tài đức” được đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ra ngày 20/11/1946: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận". Hơn ai hết, Hồ Chí Minh - người đứng đầu của một đất nước còn non trẻ khi ấy hiểu rằng: “Kiến quốc cần có nhân tài”.

Có thể nói, đây là tư tưởng vô cùng giá trị của Bác để lại cho Đảng ta về chủ trương trọng dụng nhân tài, cho đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp cách mạng đất nước.

Quán triệt quan điểm đó, trong quá trình lãnh đạo Đảng ta luôn quan tâm và cụ thể hóa bằng các quy định, nghị quyết của Đảng như, Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ… Nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ bằng việc ban hành Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược… Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), phát biểu của bế mạc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “… Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.... Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài”.

 Có thể nói quyết tâm của Đảng ta đã rõ ràng về công tác cán bộ, lựa chọn người có đức có tài vừa “hồng” vừa “chuyên”, chọn người tài, không chọn người nhà, chọn người thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống, chống những biểu hiện cơ hội,  chạy chức, chạy quyền. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Việc tỉnh Đắk Lắk tổ chức thí điểm tuyển chọn chức danh bí thư huyện ủy trước đại hội Đảng được xem là có ý nghĩa thời sự, đặt quyết tâm cao trong đổi mới công tác cán bộ trong tình hình hiện nay.

Nếu được làm bí thư huyện ủy sẽ làm gì cho dân?

Tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ, Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Tạo nhiều cơ hội cho cán bộ lãnh đạo quản lý có đủ điều kiện, được tham gia dự tuyển một cách công khai, minh bạch.

Có 9 ứng cử viên tham gia đợt tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn và Lắk, dự kiến tổ chức vào ngày 12/3, nhưng đã bị hoãn do dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới.

Các ứng viên dự kiến trình bày chương trình hành động của mình trước “ban giám khảo” là các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Tất cả các thí sinh đưa ra các phương án chương trình hành động, giải pháp cụ thể nhằm xây dựng địa phương phát triển vững mạnh một cách bài bản, căn cơ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường: “Đây không phải thi cử mà là tuyển chọn. Hay, dở thế nào của cán bộ sẽ bộc lộ một cách minh bạch. Việc đổi mới tuyển chọn bí thư huyện ủy 2 địa phương nói trên sẽ giúp cho công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ thực chất hơn. Mặt khác cán bộ sẽ phải tự đọc, tự nghiên cứu nâng cao trình độ để bảo vệ đề án của mình trước tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.

“Chắt lọc các giải pháp hay để phát triển huyện đó về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các ứng viên trình bày đề án của mình “nếu tôi được làm bí thư huyện ủy thì sẽ làm gì cho nhân dân, cho huyện phát triển”? Người nào được chọn lựa, có thể bắt tay ngay vào việc luôn”, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Các ứng viên đều trải qua nhiều khâu đánh giá cán bộ theo “truyền thống”. Điểm khác mới hơn so với trước đây là ứng viên phải trình bày chương trình hành động của mình và trả lời các câu hỏi do ban thường vụ đặt ra; điểm khác nữa là thay vì trước đây chỉ chọn 1- 2 người để ban thường vụ lựa chọn qua hồ sơ và qua đánh giá quá trình công tác, nay có thêm nhiều người trình bày “chương trình hành động” công khai (kết hợp đánh giá qua hồ sơ và quá trình công tác để lựa chọn).

Thực hiện đổi mới công tác cán bộ của Đảng, thời gian vừa qua các cơ quan, ban, ngành địa phương tích cực triển khai từ thi tuyển các chức danh vụ trưởng, vụ phó, tổng cục trưởng… đến giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành; các trưởng, phó phòng. Có thể nói bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực với quan điểm, chọn người tài, không chọn người nhà, chọn người thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Việc Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức tuyển chọn bí thư huyện ủy là việc làm mới, mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người, thể hiện quyết tâm đổi mới công tác cán bộ trên mảnh đất Tây Nguyên giàu tiềm năng đang chờ người tài khai phá./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực