Làm gì để “nóng ruột lên!”

Thứ ba, 07/07/2020 11:44
(ĐCSVN) – Có lẽ câu chuyện “trên nóng dưới lạnh” được nói nhiều và trong tình hình hiện nay nó còn nóng hơn cả thời tiết khi mà mới đây tại cuộc họp Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương về kinh tế xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đầy cảm xúc: “Các đồng chí phải nóng ruột lên!”.

 Thủ tướng chủ trì hội nghị với các địa phương.

(Ảnh VGP/Quang Hiếu)

Các đồng chí phải nóng ruột lên!

Nhiều lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: Hiện nay chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ kép là chống dịch bệnh như chống giặc và phát triển kinh tế, nay dịch bệnh bước đầu được kiểm soát có hiệu quả đây có thể nói là kỳ tích của Việt Nam. Tuy nhiên nhiệm vụ thứ hai là phát triển kinh tế quan trọng không kém nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, “nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết” - Thủ tướng nhấn mạnh. Điều đó cho thấy, lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành thể hiện sự lo lắng, quyết tâm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế trong khi một bộ phận không nhỏ dường như coi mình là ngoài cuộc, giữ thế thúc thủ và bị thúc giục “phải nóng ruột lên” trước sự tắc nghẽn của người dân và doanh nghiệp.

Với quan điểm ấy, cho thấy Thủ tướng rất sốt ruột với tình trạng thờ ơ, vô cảm ở không ít cấp lãnh đạo trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp và người dân đang bị tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Chứng minh cho sự “rất lạnh” hiện nay, theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỉ USD), song đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 33%, giải ngân vốn ODA mới vỏn vẹn 10%, khi chỉ còn nửa năm nữa. Cá biệt còn 10 bộ, cơ  Trung ương có mức giải ngân dưới 5%. Nếu giải ngân hết trong năm nay, hàng chục triệu người dân đều có phần trong số tiền đó. Ngược lại, chậm giải ngân, tiền không lan tỏa ra nền kinh tế, một bộ phận người dân sẽ rơi vào đói nghèo, thiếu thốn.

Như vậy, khả năng không tiêu được số vốn đầu tư công mà Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 5 năm ngày càng rõ ràng. “Đó là sự tắc trách của các chủ đầu tư và hơn nữa. Vì sao, cũng hệ thống luật pháp đó, cũng những thủ tục đó, quy trình đó, cũng những con người đó mà vốn đầu tư công được giải ngân tốt hơn trong thời gian trước đây so với hiện tại?”- Thủ tướng nêu.

Thủ tướng nói: “Vậy ông bí thư, ông chủ tịch tỉnh, thành phố có “xắn tay áo” lên để giải phóng mặt bằng không? Khi đề nghị dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì giao cấp dưới, không quan tâm. Tôi xin nói thật, tôi biết hết chỗ này. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm? Làm thế nào để biết lãnh đạo địa phương nóng ruột, hay chỉ nóng để “biểu diễn”, “nóng qua lời nói”?”.

“Vừa rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội cũng đồng ý nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng có quyền điều chuyển từ ngành này, địa phương này sang ngành khác, địa phương khác khi họ có điều kiện giải ngân, không cần đưa ra Quốc hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 Chống biểu hiện “thu mình” trước đại hội

Hiện nay đại hội đảng cấp trên cơ sở đang diễn ra và cấp ủy đảng các tỉnh, thành phố đang tích cực làm công tác chuẩn bị đại hội đảng cấp mình, hướng đến đại hội Đảng lần thứ XIII. Như vậy đại hội Đảng đã cận kề cùng với nguy cơ suy thoái của kinh tế - xã hội kinh tế hiện nay, đòi hỏi hơn lúc nào hết cán bộ lãnh đạo cần phải nêu gương, có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, nói ít làm nhiều, hành động quyết liệt và có hiệu quả, sản phẩm, chống dĩ hòa vi quý, chống biểu hiện “thu mình” trước đại hội, sợ trách nhiệm, sợ làm, sợ sai. Cấp ủy các cấp cần nhận thức đúng tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, đặc biệt là chống virus trì trệ đang có mặt khắp nơi. Đồng thời chúng ta phải có cơ chế ràng buộc, đánh giá, quản lý cán bộ, đó là nếu cán bộ nào không đạt tiến độ, phải xem xét phê bình, kiểm điểm, chấm điểm thấp, rồi trừ lương và xếp loại thấp, kỷ luật, cách chức. Như với doanh nghiệp, họ quản trị gắn với hiệu quả chất lượng, sản phẩm từng công việc cụ thể, như vậy công việc sẽ trôi chảy. Nếu quy trình quản lý nhà nước của chúng ta vẫn cứ như thế không chỉ rõ yếu kém thuộc về ai, không kỷ luật được ai thì tình trạng trên vẫn là câu chuyện muôn thủa, khó khăn khó có thể xử lý được.

Đại hội Đảng các cấp hiện nay cũng một lần nữa là bài kiểm tra đánh giá chất lượng nhân sự đại hội và qua đại hội các đại biểu căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ để lựa chọn bầu cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân sự cấp ủy, phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc… Cán bộ phải có bản lĩnh, có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt.

Thực hiện tốt những chỉ đạo trên là chúng ta sẽ chọn được người tài khắc phục được tình trạng thờ ơ vô cảm, trên thì “sôi sùng sục”, hành động quyết liệt, trong khi đó một số bộ, ngành, địa phương cơ sở “nóng qua lời nói” chậm chuyển biến...

 

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực