Lắng nghe, đối thoại, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Thứ bảy, 09/11/2019 16:48
(ĐCSVN) - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hà Nội Hoàng Trung Hải, hiện thành phố có trên 8 triệu dân. Để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, trong đó có nhà ở, cấp nước, giao thông, y tế, giáo dục... là thách thức và nhiệm vụ rất lớn.

TP Bắc Kạn: Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương, Bảo hiểm

Tăng cường đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân

Lãnh đạo Hà Nội sẽ đối thoại với 50 đại biểu tiêu biểu dân tộc thiểu số

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. (Ảnh:TH)

Vừa qua, sau khi xảy ra sự cố nước sạch sông Đà đã đem lại nhiều bài học đối với thành phố. Trước hết là bài học về thông tin cho người dân; thứ hai là bài học về quản lý nhà nước đối với các sự cố nghiêm trọng liên quan tới đời sống của người dân...

Sáng 9/11, tại quận Hà Đông, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội đã chủ trì buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo TP với đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP Hà Nội cùng hơn 200 đại biểu đại diện cho MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội và các tổ chức thành viên.

Đề cập nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP, từ đầu năm 2019 đến nay, 26/30 quận, huyện, thị xã của TP đã tổ chức đối thoại định kỳ. Các xã, phường, thị trấn cơ bản đã tổ chức đối thoại với nhân dân trên địa bàn theo quy định. Các ý kiến nêu ra tại các cuộc đối thoại đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp thu, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, cuộc đối thoại hôm nay là dịp để các đồng chí lãnh đạo TP lắng nghe, trao đổi, trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đồng thời, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu một loạt các câu hỏi liên quan đến các nhóm nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy hoạch, xây dựng, quản lý quy trật tự đô thị; phát triển kinh tế; môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và giáo dục - đào tạo.

Các đại biểu đề nghị làm rõ việc thực hiện Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; chủ trương của Thành ủy trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như: Quy hoạch, sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công... Các đại biểu cũng đề nghị cho biết việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; công tác Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh....

Liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, các đại biểu đề nghị làm rõ chủ trương xây dựng TP sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử, tình hình triển khai thực hiện xây dựng TP thông minh; việc quy hoạch không gian ngầm…

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội cung cấp những định hướng cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của TP 5 năm tới; giải pháp bảo vệ an ninh nguồn nước; việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô; khắc phục ô nhiễm sông hồ, nguồn nước…

 

Tại hội nghị, có 14 đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nêu câu hỏi đối thoại với lãnh đạo TP. (Ảnh:TH)


Một số đại biểu đề nghị TP nêu rõ chiến lược và quy hoạch phát triển giáo dục Thủ đô thời gian tới với các nội dung: Quỹ đất, ngân sách đầu tư, phát triển nguồn nhân lực... Đồng thời có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp học và quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là các trường có yếu tố quốc tế…

Nêu cao kỷ luật, siết chặt kỷ cương, tăng cường đồng thuận

Tại buổi đối thoại, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang đã tham gia trao đổi, giải đáp các ý kiến góp ý, trao đổi của các đại biểu.

Đối thoại với các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định thông qua việc tiếp xúc, đối thoại với đại biểu MTTQ, lãnh đạo TP đã tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ. TP sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đại biểu phát biểu trực tiếp và gửi bằng văn bản tới hội nghị, đồng thời phân công các ban Đảng, các sở, ngành xem xét, giải quyết dứt điểm những phản ánh, đề đạt của đại biểu MTTQ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Trao đổi trực tiếp về việc thực hiện Quy định số 205-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, TP đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các quy chế, quy trình trong xây dựng Đảng và trong quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, thường xuyên rà soát, hoàn thiện bảo đảm các quy chế, quy định chặt chẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng số một, vì kinh nghiệm cho thấy, những vụ việc lạm dụng quyền lực xảy ra thời gian qua chủ yếu do cán bộ không thực hiện nghiêm hoặc các quy chế, quy định còn kẽ hở.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP đã triển khai rất mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, lần đầu tiên, TP đã chỉ đạo rà soát việc thực hiện hơn 2.000 kết luận thanh tra, từ đó làm rõ trách nhiệm, đôn đốc thực hiện. Thành ủy cũng hết sức chú trọng khâu phòng ngừa, thông qua việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xác định những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng để có giải pháp. Về triển khai Đề án 21-ĐA/TU về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, Thành ủy chỉ đạo quá trình thực hiện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận; sắp xếp tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quan tâm động viên những người không tham gia công tác sau sắp xếp...

Trả lời câu hỏi về xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định, TP luôn xác định người dân là trung tâm, nhân tố quyết định hiệu quả của chính quyền điện tử và TP thông minh. Do vậy, mục đích xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh là phải bảo đảm sự hài lòng của người dân và tỷ lệ tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến. Đây là những vấn đề TP sẽ tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Cho rằng việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo là Hà Nội tự nhận trách nhiệm cao hơn để phấn đấu, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, TP đã và đang làm tất cả để xây dựng Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho, để Hà Nội ngày càng bình yên, an toàn; năng động về kinh tế; quan tâm và tạo ra cơ hội vươn lên cho các đối tượng yếu thế; có môi trường bền vững...

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện TP có trên 8 triệu dân. Do vậy, để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, trong đó có nhà ở, cấp nước, giao thông, y tế, giáo dục... là thách thức và nhiệm vụ rất lớn. Vừa qua, sau khi xảy ra sự cố nước sạch sông Đà đã đem lại nhiều bài học đối với TP. Trước hết là bài học về thông tin cho người dân phải đảm bảo cung cấp nhanh nhất, rõ ràng, mạch lạc. Tiếp đó là công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để phát hiện các lỗ hổng, bổ sung quy định và quản lý chặt chẽ hơn. Đồng thời phải rà soát lại các quy trình về đảm bảo an toàn nguồn nước mặt...

Các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại. (Ảnh:TH)

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho biết, liên quan đến công tác xử lý nước thải, TP còn làm chưa nghiêm và chưa tốt đối với các cơ sở sản xuất, nhà hàng,... còn tình trạng xả nước chưa qua xử lý, gây ô nhiễm các sông, hồ. Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo", đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về xả thải.

Về quản lý ô nhiễm làng nghề, theo Bí thư Hoàng Trung Hải, một trong những giải pháp căn cơ là phải đưa việc sản xuất của làng nghề ra các khu, cụm công nghiệp để xử lý môi trường tập trung. Hiện TP phải di dời 117 cơ sở, tuy nhiên, do doanh nghiệp không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do vậy, không có kinh phí để di dời. Hiện nay, TP đang tập trung phê duyệt 21 đề án di dời, đồng thời, phải quản lý chặt hơn nữa đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm...

Đề cập tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn phức tạp và việc di dời các cơ sở ô nhiễm trong nội đô theo Quyết định số 130-QĐ/TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ còn khó khăn, vướng mắc, Bí thư Hoàng Trung Hải thông tin,trước mắt, TP sẽ tập trung quản lý chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm theo hướng lập danh sách và lên phương án cho từng cơ sở để kịp thời ứng phó nếu xảy ra sự cố…

Về những vấn đề khác được các đại biểu quan tâm, đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, TP đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương ban hành đề án xây dựng TP công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025 với 24 chỉ tiêu cụ thể…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp từ TP đến cơ củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. “Làm sao để MTTQ thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực