Lắng nghe tâm tư từ cơ sở, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Thứ ba, 07/07/2020 21:54
(ĐCSVN) - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động triển khai tổ chức thực hiện, đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sớm nhất và đạt hiệu quả thiết thực; trong quá trình triển khai lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của cơ sở để kịp thời phản ánh với HĐND, tham gia với UBND TP có những giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống tốt nhất.

Hà Nội: Giữ nguyên mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập

Hà Nội điều chỉnh giảm 34 dự án thu hồi đất với diện tích gần 89ha

Hà Nội: Nhiều phường, thị trấn không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm

 Quang cảnh kỳ họp.

Sau 2 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, chiều 7/7, Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội thông tin, tại Kỳ họp này, HĐND TP đã xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo, 13 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất rất cao, trong đó có 12 nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội và nghị quyết kiện toàn công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Nghị quyết được HĐND và UBND TP chuẩn bị công phu, đúng luật và đã được thông qua với tỷ lệ rất cao, đây là căn cứ, là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

“Đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động triển khai tổ chức thực hiện, đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sớm nhất và đạt hiệu quả thiết thực. Đề nghị các vị đại biểu HĐND ngay sau kỳ họp sẽ thông báo đến cử tri những nghị quyết này để triển khai thực hiện; trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết các đại biểu lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của cơ sở khi triển khai nghị quyết để kịp thời phản ánh với HĐND, tham gia với UBND TP có những giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống tốt nhất“ - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nêu rõ.

Cũng theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, tại Kỳ họp này, để phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP, được sự đồng ý của các cấp cũng như căn cứ theo quy định của Luật và được sự thống nhất của các vị đại biểu, HĐND TP không chất vấn trực tiếp tại hội trường mà chất vấn qua văn bản. Các đại biểu HĐND tham gia rất tích cực những vấn đề quan trọng mà cử tri và nhân dân quan tâm qua tiếp xúc cử tri hoặc qua làm việc từ thực tiễn của các đại biểu cơ sở đều đã được phản ánh qua phiếu chất vấn. Nội dung này cũng đã được UBND TP tiếp thu nghiêm túc, phân công sở, ngành trả lời và trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND TP ũng đã giải trình một số nội dung trong phiếu chất vấn. Các nội dung trả lời này được gửi đến các đại biểu HĐND TP và đăng công khai trên Trang Thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP; yêu cầu các đại biểu HĐND, các tổ đại biểu, các ban HĐND TP giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Các nội dung trả lời này sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử, yêu cầu HĐND, các ban giám sát chặt chẽ việc thực hiện trả lời chất vấn này.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, các vị đại biểu tham gia kỳ họp rất tâm huyết, trí tuệ và đề xuất những giải pháp thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, sát thực tiễn, có tính đột phá, không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà nghị quyết HĐND TP đã thông qua tháng 12/2019 mà có những giải pháp thực hiện để đạt các chỉ tiêu đặt ra ở mức cao nhất. Trong đó, đại biểu mong muốn phát huy bài học trong phòng chống hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, đó là cả hệ thống chính trị quyết liệt, sáng tạo vào cuộc và sự đồng lòng của nhân dân. Các đại biểu cũng mong muốn thành phố điều hành và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo mới của Chính phủ liên quan đến tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong tình hình mới; đồng thời, nghiên cứu tổng thể để có nhiều những giải pháp, nhiều cơ chế chính sách để tận dụng cơ hội mới, lợi thế mới của Thủ đô trong thời kỳ sau COVID-19 nhất là các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội  Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc kỳ họp. 

Trước đó, chiều 7/7, với 94/94 đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập mới thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020. Theo đó, tổng số thôn, tổ dân phố được thành lập từ các khu vực dân cư mới hình thành và chia tách các thôn, tổ dân phố là: 122 thôn, tổ dân phố (gồm 21 thôn và 101 tổ dân phố); tăng 109 thôn, tổ dân phố (13 thôn, 96 tổ dân phố) so với số thôn, tổ dân phố hiện có. Như vậy, sau khi thành lập mới, toàn thành phố sẽ có 5.369 thôn, tổ dân phố (gồm 2.379 thôn và 2.990 tổ dân phố).

Các khu vực dân cư đề nghị được thành lập tổ dân phố là các tòa nhà cao tầng, cụm tòa nhà cao tầng, khu nhà ở liền kề, khu biệt thự liền kề hoặc là khu tập thể của các cơ quan, các khu vực dân cư này được hình thành có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; hiện nay, các khu vực dân cư đang sinh hoạt ổn định; có ranh giới rõ ràng; cơ bản có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh (Nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa...). Ngoài ra, thành lập thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn. Nghị quyết này cũng bao gồm nội dung đổi tên 2 tổ dân phố thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa và 3 tổ dân phố thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.

* Cũng trong chiều nay, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về chương trình giám sát năm 2021 của HĐND TP. Theo đó, năm 2021, HĐND TP Hà Nội giám sát tại các kỳ họp về các nội dung: Xem xét báo cáo của UBND TP về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng và cả năm 2021; các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định của Luật. Chất vấn UBND TP, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân TP và Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND TP.

HĐND TP sẽ giám sát hai chuyên đề: Giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn TP nhiệm kỳ 2021-2026 và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, ngày 13/7/2012, của HĐND TP về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND TP, các Ban HĐND TP, Đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND TP được thực hiện theo quy định của Luật; hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND sẽ do Thường trực HĐND, các Ban HĐND thực hiện căn cứ vào chương trình công tác năm 2021 của HĐND TP.

Cùng với đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kết quả giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020; thông qua Nghị quyết về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phải nghỉ công tác do thực hiện Đề án 21-ĐA/TU ngày 16/9/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và một số chức danh ở thôn, tổ dân phố nghỉ công tác do sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP../..

Tin, ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực