Mang hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân nơi đảo xa

Thứ sáu, 26/02/2016 18:37
(ĐCSVN) - Khắc ghi lời dạy của Bác: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền, lương y phải như từ mẫu”, cùng với tình yêu nghề và thương yêu người bệnh như chính người thân, ruột thịt của mình, 30 năm qua, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã dồn hết tâm sức của mình, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân nơi đảo xa này.

Chúng tôi có dịp được gặp bác sỹ Bùi Đình Lĩnh trong chuyến công tác gần đây, trong thời gian ngắn ngủi tiếp xúc, trò chuyện chúng tôi đã hiểu hơn về những đóng góp, hy sinh thầm lặng của ông. Mặc dù thiếu thốn đủ đường nhưng người bác sĩ ấy vẫn quyết tâm bám đảo, bám dân, để lại ở đất liền người vợ trẻ cùng những người con để dồn hết tâm sức của mình, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân nơi đảo xa này.

Được biết, vào những năm 1985-1986, đảo Phú Quý, Bình Thuận không có bất cứ một phương tiện nào ra đảo, ngoại trừ những chuyến tàu cá của ngư dân đi qua. Ở thời điểm đó, cả đảo có 11 nghìn cư dân sinh sống nhưng chưa có một bác sĩ nào, vì thế thời điểm bác sỹ Lĩnh chưa ra đảo mỗi năm có khoảng 10 người mất do các bệnh ruột thừa hay những ca sinh khó.

 “Năm 1984, sau khi tôi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, tôi có cơ hội được làm việc tại một bệnh viện lớn ở tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận). Nhưng năm 1986, thấy điều kiện của đảo Phú Quý như thế, tôi đã xin xung phong ra đảo công tác”.

“Bệnh viện Phú Quý ngày ấy không hơn gì một bệnh xá xã bây giờ. Khu đất rộng hoang sơ với ngôi nhà cấp 4 rộng 300m2, trong đó một dãy cho điều trị, một nơi làm chỗ ở cho y, bác sĩ, nhân viên. Máy móc chẳng có gì ngoài những thứ rất căn bản như ống nghe, nhiệt kế, dụng cụ khám tai, mũi, họng”, bác sĩ Lĩnh kể.

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh chia sẻ đóng góp của mình tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - Ảnh: PC

Do điều kiện của khó khăn của đảo Phú Quý bấy giờ, việc chữa bệnh trở thành nỗi ám ảnh của các ngư dân bám biển. Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh kể ca bệnh hiểm nghèo mà ông phải giành giật mạng sống cho người dân trong điều kiện thiếu thốn như thế là một đêm mưa gió năm 1987, ông Nguyễn Mọi bị đau ruột thừa. Ông Mọi phát bệnh đã gần 20 ngày và khi đến bệnh viện thì ruột thừa đã vỡ. Ngày đó, những ca bệnh nặng ở đảo Phú Quý đều phải chuyển tàu thuyền vào thành phố Phan Thiết để chạy chữa, cấp cứu, nhưng do khoảng cách 56 hải lý tương đương hơn 100km, tàu lênh đênh trên biển cả ngày mới vào đến đất liền, nguy kịch như thế, chẳng thể cứu chữa được nữa.

Vậy là bác sỹ Bùi Đình Lĩnh quyết định mổ để cứu sống bệnh nhân. Ông cùng các đồng nghiệp đã chăm sóc bệnh nhân suốt 7 ngày 7 đêm và thật may mắn ca mổ đã thành công. Giờ đây, ông Nguyễn Mọi luôn coi bác sỹ Lĩnh như một ân nhân.

Trong khoảng thời gian 1986 – 1990, công tác chữa bệnh trên đảo Phú Quý vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhưng bằng lòng yêu nghề và thương yêu người bệnh bác sỹ Bùi Đình Lĩnh đã quyết tâm bám đảo, bám dân, cùng các y, bác sĩ trên đảo chăm sóc sức khỏe và cứu sống nhiều người.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, bác sỹ Lĩnh cùng đồng nghiệp đoàn kết một lòng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đến năm 1989, trên đảo không còn ca tử vong nào vì bệnh ruột thừa, vì vậy khi bác sỹ Lĩnh có quyết định trở về đất liền. Và tiếp tục trong các năm 1998, 2000, bác sỹ Lĩnh đều có quyết định chuyển công tác trở về đất liền.

Nhưng cả 3 lần, người dân đảo Phú Quý đều viết tâm thư “giữ” bằng được bác ở lại, có bức tâm thư dài hơn 10 trang giấy A4 được viết tay trình bày nguyện vọng của bà con dân đảo, cuối thư là hàng trăm chữ ký của người dân … Và với trách nhiệm của người thầy thuốc và tình cảm với bà con trên đảo, bác sỹ Lĩnh đã quyết định ở lại với bà con đến tận bây giờ.

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tâm sự “Đã có nhiều lúc phải suy nghĩ đắn đo nhưng may mắn tôi có một người vợ trung hậu, đảm đang, cô con gái thương yêu thường xuyên động viên ông yên tâm công tác. “Bố em ở xa lắm, tận miền đảo xa xôi. Bố là bác sỹ đó, cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày đêm bố tất bật, vì bệnh nhân mong chờ. Thương bố em phải cố, học tập chăm thật chăm” – Ông bảo rằng nội dung lá thư của cô con gái bé bỏng gửi khi cô mới học lớp 5 chính là động lực giúp ông bước tiếp trên con đường mình đã lựa chọn.

Đến nay, hơn 30 năm công tác, giờ nhẩm tính bác sỹ Lĩnh cũng không nhớ nổi mình đã thăm khám và điều trị, đem lại sự sống cho khoảng bao nhiêu lượt bệnh nhân trên đảo Phú Quý. Nhưng những cống hiến thầm lặng của bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, tỷ lệ tử vong của người dân trên đảo Phú Quý giảm hẳn. Sức khỏe của người dân trên đảo cũng được nâng lên rõ rệt. Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh được bà con khắp đảo yêu mến gọi là bác sĩ của ngư dân.

Đến thời điểm này, với sự lãnh đạo của bác sỹ Bùi Đình Lĩnh, bệnh viện Phú Quý từ một cơ sở y tế thiếu thốn trăm bề đã trở thành một bệnh viện khang trang, đủ phương tiện với đội ngũ hơn 50 bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế. Nhờ đó, nhiều năm qua, trên địa bàn huyện đảo Phú Quý không chỉ thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị mà còn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng.

Hiện nay, huyện đảo Phú Quý đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất y tế khang trang, trang thiết bị y tế được tăng cường, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và thành tựu y tế trong khám, chẩn đoán và điều trị được chú trọng, nhờ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế ngay tại địa phương.

Trở lại với những dòng tâm sự về gia đình, bác sỹ Lĩnh ngậm ngùi chia sẻ, dù nhiều lần quyết chuyển công tác về đất liền nhưng tình cảm của bà con nơi đây, vì trách nhiệm của người thầy thuốc với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên tôi đã quyết định hy sinh tình cảm gia đình của mình. Hiện nay, gia đình của tôi vẫn chia nhau ở ba miền của Tổ quốc. Vợ và con trai ở Thái Bình, con gái làm việc trong Đà Nẵng, còn tôi ở huyện đảo Phú Quý…

Với những đóng góp nhỏ bé cho hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong thời gian qua, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh được các bộ, ngành Trung ương, Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Thuận tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Mới đây nhất, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh vinh dự là một trong số ít đại biểu được tôn vinh, biểu dương và chia sẻ đóng góp của mình tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, tổ chức tại Hà Nội./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực