Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân

Thứ sáu, 19/06/2020 20:01
(ĐCSVN) - Tư tưởng lớn bao trùm và xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân... mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Theo nghĩa đó, quyền của Nhân dân là cao nhất, theo đúng nguyên tắc hiến định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.

Đó là phát biểu của TS Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tại Tọa đàm khoa học "Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền" do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 19/6 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác dân vận nói chung, dân vận chính quyền nói riêng được thể hiện qua phương pháp hoạt động của cán bộ cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương điển hình. Mặc dù giữ cương vị Chủ tịch nước, song từ năm 1955 đến năm 1965, Người đã thực hiện trên 700 chuyến đi thăm, làm việc với các cơ quan, đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã... để nắm bắt tình hình, ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân; trực tiếp bàn với dân việc xây dựng đất nước, đấu tranh thống nhất nước nhà.

 TS. Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại tọa đàm khoa học

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, để công tác dân vận chính quyền có hiệu quả thực sự thì chính sách, pháp luật do Đảng, Nhà nước ban hành phải đảm bảo thực hiện nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân; phù hợp với đạo đức xã hội thì mới thuyết phục được đa số Nhân dân tự giác thực hiện và ủng hộ. Đó là điều kiện quyết định sự thành công trong lãnh đạo dân chúng của Chính phủ.

Người cũng chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải nêu gương thực hiện chính sách, pháp luật để Nhân dân tin theo, noi theo, làm theo. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò nêu gương của Chính phủ, vì Chính phủ là người dẫn đường cho Nhân dân: “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Để công tác dân vận chính quyền thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến cách thức tổ chức thi hành pháp luật phải phù hợp thực tiễn, trong đó không thể tổ chức thi hành pháp luật theo cách quan liêu, mệnh lệnh “từ trên dội xuống”. Người yêu cầu Chính phủ cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật để Nhân dân hiểu, từ đó mà thực hiện đúng pháp luật. Người khuyến khích Nhân dân tham gia kiểm soát và phê bình Chính phủ: “Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những cách tốt nhất để củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Trong nhiều tác phẩm, bài nói và viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và dân vận chính quyền nói riêng, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng và triển khai thật tốt các nội dung của công tác dân vận chính quyền.

Chính phủ đã thể chế hoá kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách sách, nhất là các chính sách đối với từng đối tượng cụ thể.

 Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Czech Đỗ Xuân Đông chia sẻ quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của người cán bộ ngoại giao để hoàn thành nhiệm vụ.

Tại toạ đàm, nhiều ý kiến tập trung làm rõ giá trị của tác phẩm "Dân vận" gắn với công tác dân vận chính quyền, gợi mở những nhận thức mới về vai trò của dân, về tầm quan trọng của công tác dân vận, chỉ dẫn cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận, nêu lên những yêu cầu phải thực hiện sao cho công tác dân vận đạt được kết quả, hiệu quả thiết thực nhất; ý nghĩa của phong trào “Dân vận khéo” trong hoạt động công vụ ở nước ta...

Cũng lấy chi tiết 1 năm trung bình Bác Hồ thực hiện hơn 70 chuyến thăm, làm việc để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà cho rằng, ngày nay cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo khối chính quyền cần tăng cường đi cơ sở, khi giải quyết công việc cần sâu sát, hóa thân vào Nhân dân có như vậy mới tháo gỡ kịp thời được những vướng mắc, tránh những hiểu lầm, khiếu kiện kéo dài không đáng có...

Nhớ lại sự kiện cộng đồng người Czech gốc Việt được Chính phủ Czech chính thức công nhận là dân tộc thiểu số năm 2013, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Czech Đỗ Xuân Đông chia sẻ, đó là quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách bền bỉ, sáng tạo. Kết quả là cộng đồng người Czech gốc Việt được cải thiện địa vị pháp lý, được hưởng quyền bình đẳng về trách nhiệm và quyền lợi như các dân tộc thiểu số khác ở Czech, có nhiều cơ hội tốt để thúc đẩy ngoại giao nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với 13 cộng đồng dân tộc thiểu số khác trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi cũng như giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt tại đây./.

 

Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực